Dị nhân tay không bắt cá trên sông Vàm Nao

Đoàn Xá 16/08/2020 14:05

Là một trong những dòng sông đặc biệt nhất vùng châu thổ Cửu Long Giang, Vàm Nao tuy chỉ dài hơn sáu cây số nhưng lại khá đặc biệt, bởi nó nối liền sông Tiền và sông Hậu. Từ xa xưa nơi đây đã nổi tiếng là dòng sông dữ, nước chảy xiết rất mạnh, ghe thuyền khó qua lại. Cùng với đó là những trận chiến ác liệt gắn với vua Gia Long khiến dòng sông này luôn nhuốm màu kỳ bí, lạ thường.

Ngày nay, khi những câu chuyện huyền hoặc dần chìm khuất thì ở dòng sông này lại xuất hiện một người đàn ông rất dị thường với biệt tài chỉ dùng tay không bắt cá dưới đáy sông. Với anh, chỉ cần lặn xuống nước và bơi theo đàn cá để bắt chúng.

Sản phẩm nơi đáy sông sâu.
Sản phẩm nơi đáy sông sâu.

Độc nhất vô nhị

Hiện nay nhiều phương thức đánh bắt cá tinh vi, hiện đại đang ngày càng được con người áp dụng, thậm chí có cả những cách làm vi phạm pháp luật. Những dãy lưới mắt li ti nghề dớn trùng điệp, những dây câu dài tới vài trăm lưỡi sắc lẹm cho tới những bộ kích điện hay thậm chí cả hoá chất, chất nổ… được sử dụng để tận diệt thủy sản, thì câu chuyện về anh Trần Văn Hiếu, 38 tuổi (ngụ xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) là vô cùng đặc biệt.

Suốt nhiều năm qua, anh chỉ sử dụng đôi tay trần của mình để bắt cá nơi dòng sông rộng hàng trăm mét, sâu tới hơn chục mét.

Thú thực ban đầu xem anh Bùi Hồ (34 tuổi, một người đang sống gần nhà anh Hiếu), dành nhiều thời gian quay các clip ghi lại tỉ mỉ cách bắt cá độc nhất vô nhị của anh Hiếu, chúng tôi cũng chưa tin cho lắm. Đến khi trực tiếp nhìn dòng sông Vàm Nao mênh mông, nước chảy rất xiết, nhiều ghe thuyền lớn qua lại thì sự ngờ vực ấy trong tôi lại bắt đầu nhen lên.

Chỉ tới khi thấy anh Hiếu ngoi lên từ mặt nước với những con cá lăng, cá chốt, cá rô… tôi mới tin là thực kèm theo sự ngạc nhiên. Nhưng câu chuyện về cuộc đời săn bắt cá có một không hai của anh không chỉ có vậy.

Một buổi sáng mùa mưa nhưng trời nắng nhẹ, chúng tôi cùng anh Bùi Hồ và anh Hiếu chạy chiếc ghe vỏ lãi dài gần năm mét ra ngư trường quen thuộc nơi ngã ba sông Vàm Nao. Đây là nơi Vàm Nao giao vơi sông Tiền, cũng là một trong những ngã ba sông lớn nhất cùng châu thổ Cửu Long Giang bởi đứng phía bên này, nhiều khi nhìn mút tầm mắt không thấy phía bờ bên kia. Chiếc ghe nhỏ của anh cũng như hầu hết các ghe vỏ lãi khác, chỉ gắn chiếc máy nổ bơm ô-xy nhỏ xíu được anh tự chế ra. Chiếc máy này nối với cái ống nhựa nhỏ, dài tới bốn chục mét để anh ngậm vào miệng và lặn xuống với cuộc mưu sinh của mình. Trung bình, anh có thể ở dưới nước khoảng 30 phút hay hơn, tuỳ theo lượng cá săn bắt được.

Công cụ săn cá dưới đáy sông của anh cũng rất đơn giản, ngoài chiếc ống thở là cái rổ nhựa bịt kín đeo ở cổ và đôi tay trần. Anh ngậm ống thở và nhảy ùm xuống nước, mất hút trong những con nước đang chuyển qua màu đỏ phù sa của đầu mùa nước nổi. Do có chúng tôi đi cùng nên chỉ khoảng 15 phút là anh ngoi lên, thay vì lâu hơn như bình thường. Và thật bất ngờ khi mở trong giỏ nhựa là bốn con cá chốt như chuôi dao, một con cá lăng nhỏ và một con tôm càng xãnh cỡ lớn.

Nếu không nhìn tận mắt, không xem những clip mà bạn Bùi Hồ đã ghi lại trực tiếp những công đoạn này, nhiều người chắc chắn không thể tin được rằng, chỉ với đôi tay không con người ta có bắt được cá như thế. Chúng tôi không biết điều gì đã xảy ra dưới đáy sông sâu hàng chục mét kia bởi sau khi đổ cá vào khoang, anh Hiếu lại ngậm chiếc ống thở và tiếp tục một lần lặn mới. Cứ thế, ngoi lên lặn xuống, chìm khuất dưới đáy của dòng Vàm Nao rộng lớn suốt bao năm qua đã là một phần đời không thể thiếu của người đàn ông gần bốn mươi tuổi này.

Sóng gió cuộc đời

Gần trưa, anh Hiếu bắt đầu nghỉ ngơi lấy lại sức và trò chuyện thêm cùng chúng tôi. Anh bảo, trước kia đôi tay không cũng giúp anh bắt đủ cá cho cuộc mưu sinh của mình. Ngày đó, chừng gần chục năm trước mỗi ngày lặn trên khúc sông này, anh vẫn bắt được vài ký lá chốt, cá lăng, tôm càng, trê vàng… Đây đều là những loài cá, tôm sống dưới đáy sông, sát lớp bùn nên khi lặn xuống, anh có thể định hình bắt được.

Nhờ biệt tài của mình, anh cũng có đủ thu nhập cho cuộc sống gia đình. Thậm chí anh Hiếu còn kể khi ấy trong xã nhiều người thấy anh lặn bắt cá hay quá đã bắt chước, đi cùng anh để lặn theo. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, những người này lần lượt phải “chào thua” theo những cách khác nhau. Và đến nay, nơi dòng sông hung dữ này chỉ có duy nhất mình anh tiếp tục nghề này.

Chuẩn bị một ca lặn.

Thế nhưng, dù đã chiến thắng được những con sóng dưới đáy sông sâu nhưng anh lại không chiến thắng được những con sóng cạnh tranh mưu sinh. Nhiều người ở đây dù không biết bắt cá như anh nhưng họ lại sử dụng thành thạo những loại lưới, tích điện… hiện đại hơn. Rốt cuộc, số cá anh bắt bằng đôi tay của mình ngày càng ít đi trong khi số cá mà những người dùng công cụ đánh bắt lại nhiều hơn. Đó là lý do, dù không bỏ hẳn nghề lặn bắt cá dưới đáy sông nhưng anh Hiếu không còn coi đây là một nghề mưu sinh thường xuyên được nữa.

Anh bắt đầu lên bờ làm thuê đủ thứ nghề, từ phụ hồ, làm nông, lợp nhà… Nói chung, ai trong vùng thuê gì anh làm nấy để có tiền nuôi vợ con. Chỉ những khi nào rảnh rỗi, không có ai thuê thì anh lại lặng lẽ chạy ghe máy ra đây, lặn xuống đáy sông sâu để bắt cá.

Theo anh Bùi Hồ, với người dân miền Tây, bắt cá là điều rất bình thường. Ngay cả không sử dụng ngư cụ thì nhiều người miền Tây vẫn có cách bắt cá của riêng mình. Tuy nhiên, hầu hết chỉ là những đoạn kênh, rạch nhỏ ít nước. Còn việc tìm ra khúc sông sâu, rộng như anh Hiếu để lặn xuống đáy sông bắt cá có lẽ là rất hiếm có người làm được, duy trì trong nhiều năm. Thậm chí, anh Bùi Hồ còn kể chừng năm, sáu năm trước có lần lặn ở Vàm Nao anh Hiếu đã bắt được cả một con cá hô nặng gần chục ký lô. Đến nay đó vẫn là con cá lớn nhất mà anh bắt được.

Nói về kinh nghiệm bắt cá dưới đáy sông của mình, anh Hiếu không giấu diếm gì, anh chia sẻ: “Với nhiều người, Vàm Nao là khúc sông dữ nhưng do nhà mình gần đây nên từ bé quen với nó rồi. Khu vực mình lặn cũng vậy, từ những hốc đất, mỏm đá hay vết bùn dưới sông đều thuộc hết cả. Rồi tập tính loài cá, theo từng con nước lên hay xuống, mùa mưa hay khô… giúp mình biết được chỗ cá trú ngụ. Sông này nước xiết nên nhiều cá thường tìm các khe, vết đất nước đáy sống để trú. Đó là lúc mình tìm bắt chúng. Hơn nữa, ngư cụ chỉ bắt được cá ở lớp nước bề mặt còn cá dưới lớp sát đáy thì ngoài nghề lặn, ở Vàm Nao không ngư cụ nào bắt nổi”.

Mặc dù đã rất quen thuộc với khúc sông này nhưng nghề lặn của anh Hiếu cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy hiểm. Ngoài những hiểm nguy bất ngờ xuất hiện dưới đáy sông thì hiện nay, điều khiến anh cảm thấy bất an nhất chính là những ghe thuyền chạy trên sông.

“Khi đi lặn, mình thường chỉ đi một mình và đặt máy thở ở chế độ nổ để bơm ô-xy trên ghe. Thế nhưng quanh đây ghe máy lớn rất nhiều, nhất là những ghe chở cát, vật liệu xây dựng, nông sản….Mỗi lần chúng chạy qua là sóng dồn lại rất dữ, có khi chìm ghe luôn. Những lần như vậy, ngoài nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, mình phải trồi ngay lên mặt nước thì còn khiến máy móc bị hư hỏng, sửa chữa mất cả triệu đồng”, anh Hiếu ngậm ngùi chia sẻ thêm.

Ngồi cùng anh trên chiếc ghe vỏ lãi mỏng manh như chiếc lá giữa sóng nước Vàm Nao, nhìn xa xa phía bến phà Thuận Giang bên kia, bất giác chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Bởi ngày nay, người ta có thể dễ dàng sử dụng những loại ngư cụ bình thường cho cuộc đánh bắt của mình nhưng anh Hiếu vẫn ngày ngày cần mẫn với cộng việc rất kỳ lạ này. Với anh, đó là cuộc mưu sinh công bằng của tạo hoá, giữa muôn loài. Nó giúp anh thanh thản hơn trên khúc sông của đời mình dù anh đã phải đánh đổi nhiều thứ để có được điều đó.

Dù đã chiến thắng được những con sóng dưới đáy sông sâu nhưng anh Hiếu lại không chiến thắng được những con sóng cạnh tranh mưu sinh. Nhiều người ở đây dù không biết bắt cá như anh nhưng họ lại sử dụng thành thạo những loại lưới, tích điện… hiện đại hơn. Rốt cuộc, số cá anh bắt bằng đôi tay của mình ngày càng ít đi trong khi số cá mà những người dùng công cụ đánh bắt lại nhiều hơn. Đó là lý do, dù không bỏ hẳn nghề lặn bắt cá dưới đáy sông nhưng anh Hiếu không còn coi đây là một nghề mưu sinh thường xuyên được nữa. Anh bắt đầu lên bờ làm thuê đủ thứ nghề, từ phụ hồ, làm nông, lợp nhà… Nói chung, ai trong vùng thuê gì anh làm nấy để có tiền nuôi vợ con.

Đoàn Xá