Bình Thuận: Giám sát công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS
Bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận vừa có buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận về giám sát chuyên đề “Kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững” vào cuối tuần qua.
Được biết, giai đoạn 2015 - 2020, Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận thực hiện bằng các giải pháp lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương và địa phương để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững với tổng số vốn trên 546 tỷ đồng.
Trong đó ngân sách Trung ương 115,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 430,6 tỷ đồng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phươngđã góp phần thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tập trung ở nhiều lĩnh vực như hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; chính sách phát triển giáo dục.
Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS đã có đường nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh; 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch; 17/17 xã thuần đồng bào DTTS có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 21,6%; 100% đồng bào DTTS thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.
Phát biểu tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đánh giá cao những kết quả và nỗ lực của Ban Dân tộc cùng các cấp, các ngành trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020.
Thông qua việc thực hiện chính sách nhiều hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS đã có nhiều cải thiện. Bên cạnh đó, thông qua việc lồng ghép thực hiện nhiều chương trình, dự án; hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi… tại các xã nghèo tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho người dân, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đối với hệ thống giáo dục vùng đồng bào DTTS hiện nay khá hoàn chỉnh; trường lớp được đầu tư nâng cấp; tỷ lệ học sinh các cấp đến trường ngày càng tăng. Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Từ những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng, thúc đẩy vùng đồng bào DTTS phát triển nhanh hơn trong thời gian tới; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc được tăng cường; đồng thời, tiếp tục tạo niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, cùng các ngành thường xuyên quan tâm kiểm tra các hộ đồng bào dân tộc đã thoát nghèo, cần vận động, tuyên truyền tới người dân luôn tích cực tham gia sản xuất, tránh tình trạng tái nghèo, giảm nghèo không bền vững.