Kiểm tra tư duy để tuyển sinh ĐH: Đề khó nhưng rất ‘chất’
Hôm qua 15/8, hơn 5.600 thí sinh đã dự thi bài kiểm tra tư duy vào ĐH Bách khoa Hà Nội và khoảng gần 1.500 em dự thi năng khiếu báo chí vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền năm 2020. Theo đánh giá của các chuyên gia, đề kiểm tra tư duy tuy dài nhưng tương đối hay và có tính ứng dụng thực tế cao, mang đặc trưng rất riêng của trường ĐH Bách khoa.
Cụ thể, bài thi kiểm tra tư duy ĐH Bách khoa gồm có 3 phần là Đọc hiểu, Toán trắc nghiệm và Toán tự luận; thời gian làm bài trong 120 phút. Theo nhận định của các thí sinh dự thi: Đề khó hơn hẳn so với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Bù lại, cách ra đề thi hay, câu hỏi mới lạ và có vận dụng thực tế.
Thí sinh Trần Văn Thông đến từ trường THPT TP Hưng Yên cho hay: Các nội dung trong bài thi tư duy có độ khó như nhau. Phần Đọc hiểu khó vì em và các bạn chưa tiếp xúc với dạng đề này, trong khi đề lại có các từ ngữ chuyên ngành nên hơi khó hiểu. Về các kiến thức trong phần Đọc hiểu, để làm được những câu hỏi này, rất cần phải đọc các sách nâng cao. 2 bài Toán tự luận khá dễ, nhưng trước đó các thí sinh ôn theo kiểu thi trắc nghiệm nên mất nhiều thời gian để làm bài. Với đề này, các bạn thí sinh có học lực khá, có thể làm được tới 70%.
Nhiều thí sinh khác có chung nhận xét: Đề thi bài tư duy của ĐH Bách khoa khó hơn 50% so với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đặc biệt là phần Đọc hiểu hơi dài nên nhiều em không kịp thời gian làm hết các câu hỏi trong bài.
Nhận xét về đề bài kiểm tra tư duy, các giáo viên tổ Toán - Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, nội dung đề thi có nhiều câu hỏi ứng dụng thực tế.
Phần Đọc hiểu, điểm nổi bật là dung lượng rất dài (chiếm 15/22 trang) với 35 câu hỏi, các chủ đề đa dạng. Trong đó, 4 bài đọc với 4 chủ đề mang “màu sắc Bách khoa”, nội dung bám sát các ngành học của trường: Vật liệu quang hướng; công nghệ thông tin; môi trường và phương pháp canh tác nông nghiệp.
Phần này tập trung đánh giá kỹ năng đọc cùng với năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản. Hầu hết các bài đọc đều là văn bản dịch từ các tài liệu chuyên khảo nước ngoài, ngữ liệu không có quá nhiều từ chuyên ngành nhưng có nhiều khái niệm mới so với học sinh THPT.
Phần Toán có nội dung kiến thức đều nằm trong chương trình THPT và được yêu cầu ở các mức độ khác nhau từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng sáng tạo. Điểm nổi bật của phần câu hỏi Toán là xuất hiện nhiều câu hỏi vận dụng thực tế và không có câu hỏi nhận biết. Ngoài ra, đề thi xuất hiện khá nhiều câu hỏi thuộc kiến thức lớp 10,11. Các câu hỏi đều nhằm mục đích đánh giá khả năng tư duy và vận dụng những kiến thức cơ bản của Toán học vào việc giải quyết những bài toán trong thực tế, đồng thời, đánh giá khả năng học Toán cao cấp và các môn khoa học – kỹ thuật, phục vụ cho việc theo học ở bậc đại học.
Phần Toán trắc nghiệm: Bao gồm 25 câu từ câu 36-60 phủ đều 3 cấp độ, trong đó có khoảng 6 câu vận dụng cao chiếm 24%; 8 câu vận dụng chiếm 32%, 11 câu thông hiểu chiếm 44%. Phần Toán tự luận có 2 câu hỏi: Câu 1 câu ứng dụng thực tế, đòi hỏi học sinh cần có kỹ năng phân tích số liệu tính toán các đại lượng, sử dụng kỹ năng tư duy, đánh giá để có thể đưa ra các kết quả chính xác. Câu 2 hỏi về hình học không gian cổ điển: Tính góc giữa 2 mặt phẳng và thể tích của khối lăng trụ.
PGS. TS Nguyễn Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa chia sẻ, đề thi tư duy nằm trong lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh của nhà trường đã báo cáo Bộ GDĐT. Theo đó, bài thi nhằm đánh giá, kiểm tra tư duy của các em có khả năng đọc hiểu vấn đề, nắm bắt được vấn đề và tìm lời giải thực tế. Đây là kỹ năng rất quan trọng mà khi học ĐH các em cần có.
“Chúng tôi hi vọng kết quả bài kiểm tra tư duy này được các em đón nhận và được xã hội ghi nhận là sự đổi mới trong công tác tuyển sinh của nhà trường”, thầy Thắng cho biết thêm. Đặc biệt, theo thày Thắng: Kỹ thuật ra đề cũng là một hình thức để giúp cho trường chống được gian lận trong thi cử. Nếu như thí sinh không tập trung thì thời gian 120 phút không hoàn thành được nội dung bài thi.
Theo như lộ trình của đề án tuyển sinh, từ ngày 17/8, ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu chấm thi và dự kiến đến ngày 22/8 sẽ chấm xong bài thi.
Đề thi Năng khiếu báo chí hỏi về Covid-19
Chiều 15/8, gần 1.400 thí sinh dự thi Năng khiếu báo chí vào Học viện Báo chí& Tuyên truyền- Hà Nội. Ngoài 30 câu trắc nghiệm, đề thi Năng khiếu Báo chí yêu cầu học sinh suy nghĩ việc mẹ Nguyễn Thị Ba ủng hộ lương thực cho khu cách ly.
Kỳ thi riêng với khối nghiệp vụ được Học viện Báo chí&Tuyên truyền bắt đầu triển khai từ năm 2015 và duy trì đến nay. Dự kiến, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ công bố điểm thi Năng khiếu báo chí vào 19/8, điểm trúng tuyển ngày 27/9. Năm nay, trường tuyển 1.950 chỉ tiêu tại 39 chuyên ngành, trong đó Truyền thông đại chúng và Quản lý kinh tế cùng lấy 100 chỉ tiêu, còn lại ở mức 40-80. Năm 2019, chuyên ngành Báo truyền hình tổ hợp Văn, Năng khiếu báo chí, Khoa học xã hội lấy điểm cao nhất là 24. Các ngành thuộc khối lý luận lấy điểm chuẩn 16-18 như Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học.