Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: Đâu là hướng đi thích hợp? - Bài 1: ‘Cơn bão’ mang tên Covid-19
Với những giải pháp quyết liệt mạnh mẽ theo thống kê của Bộ LĐTB&XH đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân khoảng dưới 4% (giảm 1,3% so với cuối năm 2018), bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2018.
Từ kết quả này theo các chuyên gia mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều trong năm 2020 hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên theo các chuyên gia dưới tác động của dịch Covid-19 cuộc chiến giảm nghèo bền vững cam go hơn bao giờ hết.
Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm
Năm 2020 được xem là năm quan trọng nhằm tổng kết thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đồng thời là cơ sở để Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025…
Chính vì vậy trong năm 2020, ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình 10.059 tỷ đồng và đặt mục tiêu đến hết năm 2020, tỷ lệ nghèo sẽ giảm từ 3,75% (năm 2019) xuống dưới 3%, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ nghèo tại huyện nghèo giảm trên 4% so với năm 2019, đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ giao.
Đánh giá về mục tiêu giảm nghèo đặt ra trong năm 2020 nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù công tác giảm nghèo vẫn chưa thật sự bền vững, tỷ lệ nghèo tại các tỉnh miền núi vẫn còn chiếm tới 30%, tuy nhiên với những kết quả đạt trong công tác giảm thời gian qua thì việc đạt mục tiêu như đề ra không phải khó. Tuy nhiên khi dưới tác động của dịch Covid để hoàn thành như mục tiêu đề ra không hề đơn giản.
Mặc dù giai đoạn một dịch Covid được đánh giá là ít ảnh hưởng vì Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt xong theo kết quả điều tra lao động việc làm quý 2 do Tổng cục thống kê thực hiện cho biết, tính đến hết tháng 6 có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Đáng chú ý, điều tra lao động việc làm do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện với hỗ trợ kỹ thuật của ILO cũng cho thấy con số đáng suy ngẫm, lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục với 2,2 triệu so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tham gia thị trường lao động giảm sâu hơn ở khu vực nông thôn và trong lực lượng lao động nữ. Quý 2 năm nay cũng chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua tại Việt Nam, ở mức 2,73%.
Chỉ tính riêng tại TP Hà Nội liên tiếp trong 3 tháng (tháng 5, 6, 7) chứng kiến cảnh quá tải tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) vì số người đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đột biết, có ngày lên tới hơn 1.000 người đến làm thủ tục. Để phục vụ cũng như đảm bảo quyền lợi kịp thời cho NLĐ, Trung tâm DVVL Hà Nội phải tăng thêm quầy, mở app phục vụ NLĐ.
“Bình thường, số NLĐ đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp năm sau cao hơn năm trước khoảng 10%, do số người tham gia BHTN gia tăng. Tuy nhiên, năm nay ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đến đăng ký thất nghiệp đông hơn, cá biệt có tháng tăng lên hơn 50%”, ông Vũ Quang Thành, Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết.
Nguy cơ gia tăng nghèo đói
Quá tải số người đăng ký hưởng Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là thực trạng riêng Hà Nội mà là thực trạng chung của các địa phương trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, do ảnh hưởng chính từ đại dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 531.321 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó đã giải quyết cho 474.622 người hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới trong bài tham luận của mình, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp ILO Patrick Belser cho rằng, ảnh hưởng dịch Covid-19 là rất lớn bởi nhiễm bệnh đồng nghĩa với việc trở nên nghèo đói hơn. Và bất bình đẳng sẽ ngày càng rõ rệt hơn bao giờ hết, nhất là với những người không thuộc diện bao phủ của chương trình trợ cấp xã hội. Và ở Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Dù xét ở các góc độ đến thời điểm này tình hình dịch cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát xong những tác động của nó đối với chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội và giảm nghèo là vô cùng lớn. Nhất là với một đất nước có tới 3 triệu người nhận trợ cấp hàng tháng, hàng chục triệu người nhận trợ cấp đột xuất…
Chưa kể trong cơ cấu lao động tại Việt Nam có khoảng 17,6 triệu người là LĐ tham gia vào nền kinh tế phi chính thức. Bình thường khi chưa có dịch đây là nhóm LĐ yếu thế, công việc không ổn định và hầu như không được hưởng một loại hình BHXH nào; đại đa số sống ở khu vực nông thôn.
“Việc làm không thường xuyên, thu nhập thấp, ít tiếp cận với các cơ hội phát triển kỹ năng nghề, nên LĐ phi chính thức rất dễ bị tổn thương, nhất là khi xảy ra các biến cố. Những tác động của đại dịch Covid-19 sẽ thực sự là cú sốc khiến lao động phi chính thức đứng trước ngưỡng của thất nghiệp và nghèo đói”, Tổ chức ILO tại Việt Nam khuyến cáo.