Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 - Bài 3: ‘Bệ đỡ’ từ những dự án giảm nghèo
Cùng với chính sách hỗ trợ đột xuất của Chính phủ, ở nhiều địa phương những chính sách, dự án giảm nghèo đang thực sự là cứu cánh cho người dân khi tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Rất nhiều mô hình, chương trình giảm nghèo đã thực sự là “bệ đỡ” giúp người dân thoát khỏi khủng hoảng, ổn định cuộc sống ngay trên chính quê hương mình.
Sinh kế bền vững từ những dự án 135
Yên Thủy là huyện 135 của tỉnh Hòa Bình, vì vậy, vấn đề giảm nghèo vẫn luôn là thách thức lớn. Là huyện không có nhiều lợi thế về đất đai, đường giao thông, cơ sở vật chất, bên cạnh đó trình độ người dân còn thấp, do đó khi triển khai Dự án Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, huyện Yên Thủy đã có lựa chọn hướng đi khá khác biệt.
Theo đó, việc triển khai những dự án giảm nghèo không hỗ trợ từng gia đình đơn lẻ mà hỗ trợ theo nhóm đồng sở thích (CIG), liên kết đối tác sản xuất, thành lập HTX. Nhờ đó đến nay, huyện Yên Thủy đã hình thành được hàng chục những nhóm sở thích, HTX có giá trị hàng chục tỷ đồng, tạo công ăn việc làm bền vững cho hàng trăm người dân nghèo. Rất nhiều mặt hàng nông sản đã trở thành “đặc sản” mang lại giá trị kinh tế cao như: Bưởi Yên Thủy, cà gai leo…
Thực tế cây Bưởi vốn là cây trồng quen thuộc và chủ đạo của người dân huyện Yên Thủy, thế nhưng nó chỉ thực sự trở thành cây chiến lược và cây đặc sản khi UBND huyện Yên Thủy thành lập được các HTX, tạo sự liên kết và áp dụng thành công quy trình VietGAP cho cây bưởi.
Đặc biệt nhằm hướng tới thị trường bền vững, bảo vệ quyền lợi và xây dựng thương hiệu bưởi của huyện (sản phẩm OCOP huyện) thành đặc sản của địa phương, UBND huyện Yên Thủy đã tập trung xây dựng nhãn hiệu và hệ thống nhận diện sản phẩm "Bưởi Yên Thuỷ”.
Nhờ đó đến nay toàn huyện đã trồng được trên 600 ha bưởi, trong đó, diện tích cho thu hoạch 265 ha, diện tích đạt chuẩn VietGAP 125 ha, sản lượng đạt trên 6.000 tấn/năm. Và đây là cây đã tạo ra cuộc sống ấm no cho hàng trăm hộ dân tại các xã như Ngọc Lương, Bảo Hiệu, thị trấn Hàng Trạm… Rất nhiều hộ gia đình có mức thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm nhờ trồng bưởi.
Cùng với mô hình trồng bưởi, thực hiện Chương trình 135 ngay từ năm 2016 mô hình nuôi gà thả vườn được đưa vào áp dụng tại Yên Thủy. UBND huyện chủ trương cấp con giống miễn phí, đồng thời mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm nuôi gà thả vườn cho bà con nông dân.
Qua đó, hộ nghèo đã được tiếp cận với những kiến thức, kỹ thuật cơ bản trong chăn nuôi gà thả vườn như: Kỹ thuật làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, thức ăn trong chăn nuôi gà. Nhờ đó đã tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm hộ dân, hiện nay trên địa bàn Yên Thủy có hàng trăm hộ dân có quy mô đàn gà từ 5.000 đến 10.000 con cho doanh thu từ 500 - 600 triệu /năm.
Tỷ phú nhờ “đòn bẩy” dự án giảm nghèo
Giờ đã có cơ ngơi vững chắc và một thương hiệu sản phẩm Cà gai leo được thị trường trong nước ưa chuộng, nhưng anh Bùi Quý Hợi, Giám đốc HTX Nông - Lâm Nghiệp Bảo Hiệu vẫn ngỡ như đó chỉ là giấc mơ. Không chỉ anh mà cả gia đình, người thân không thể nghĩ được có ngày trên chính những cánh đồng bạc màu, đá nhiều hơn đất lại mang đến cho anh cuộc sống sung túc với lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.
Cũng giống như cây Bưởi, Cà gai leo vốn là cây trồng quen thuộc của người dân huyện Yên Thuỷ, nhưng nó chỉ thực sự bứt phá và trở thành cây chủ lực khi huyện triển khai dự án giảm nghèo.
Nhận thấy đây sẽ là cây giúp chính mình và bà con quê mình thoát nghèo khi UBND huyện có chủ trương triển khai hỗ trợ nhóm, HTX, tổ hợp tác phát triển kinh tế Bùi Quý Hợi xung phong được triển khai thí điểm. Năm đầu khởi nghiệp với 50 vạn cây và chỉ sau 2 năm, anh Hợi phát triển nhân rộng mô hình lên hơn 10 ha. Trừ chi phí mỗi năm anh bỏ túi hơn 1 tỷ đồng.
Nhận thấy đây là cây có giá trị kinh tế và là giải pháp giảm nghèo hữu hiệu cho người dân xã Bảo Hiệu, anh Hợi mạnh dạn lập các nhóm sở thích rồi từ các nhóm sở thích này thiết lập HTX Cà gai leo mang tên Nông - Lâm Nghiệp Bảo Hiệu đồng thời xây dựng thương hiệu Cà gai leo Yên Thủy.
Không chỉ dừng lại ở cung cấp sản phẩm nguyên liệu, HTX còn cho ra mắt thị trường dòng sản phẩm Trà Cà gai leo túi lọc, Cao Cà gai leo. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường hơn 20.000 hộp sản phẩm Cao Cà gai leo, gần 10.000 hộp Trà Cà gai leo và hơn 50 tấn Cà gai leo khô cho các công ty dược trong và ngoài nước, tạo công ăn việc làm bền vững cho hàng trăm hộ dân.
“Hiện nay, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng với hơn 200 đại lý trên khắp cả nước, hàng tháng HTX vẫn tiêu thụ được gần 5.000 hộp Cà gai leo các loại nhờ đó vẫn tạo được nguồn thu ổn định cho hơn 200 hộ dân. Điều đáng mừng là trước kia mọi người không mấy mặn mà tham gia HTX thì nay rất nhiều người tình nguyện xin tham gia HTX để cùng nhau phát triển thương hiệu Cà gai leo, làm giàu trên chính quê hương mình”, Bùi Quý Hợi chia sẻ.
Đánh giá hiệu quả mà các mô hình giảm nghèo đem lại, ông Bùi Huyên, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thủy cho rằng, việc triển khai mô hình HTX, tổ hợp tác là một trong những thành công lớn nhất trong việc triển khai giảm nghèo giai đoạn 2016 -2020. Các mô hình này đã thay đổi tư duy sản xuất của các thành viên, từ manh mún, nhỏ lẻ, sang sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị. Đặc biệt đã phát huy được chính nội lực của người dân nghèo để từ đó họ vươn lên thoát nghèo, rất nhiều người đã trở thành tỷ phú ngay trên chính những cánh đồng đá bạc màu ấy.
“Hiện nay khi dịch Covid-19 xảy ra, tình trạng thất nghiệp gia tăng ở khắp mọi nơi càng thấy hơn những giá trị mà các mô hình sản xuất tại cơ sở có ý nghĩa thế nào. Nhờ có những mô hình này toàn huyện đã bước đầu giải quyết được công ăn việc làm trước mắt cho người dân”, Phó Chủ tịch Bùi Huyên khẳng định.