Mỹ đe dọa áp lệnh trừng phạt Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/8 tuyên bố sẽ sử dụng một biện pháp kỹ thuật gây tranh cãi nhằm đơn phương áp đặt trở lại các đòn trừng phạt của Mỹ đối với Tehran, một động thái có thể gây tác động nghiêm trọng tới Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Lệnh trừng phạt trở lại
Tuyên bố của ông xuất hiện chỉ một ngày sau khi Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu nhất trí bác bỏ một nghị quyết mà Mỹ soạn thảo nhằm mở rộng lệnh trừng phạt đối với Iran. “Chúng tôi sẽ áp đặt trở lại” -Tổng thống Trump nói trong một cuộc họp báo tại New Jersey - “Các bạn sẽ được chứng kiến nó trong tuần tới”.
Tổng thống Trump đã nhắc tới một tranh luận gây tranh cãi rằng Mỹ vẫn là “một bên tham gia” Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 - mặc dù ông Trump đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận này - và bởi vậy có thể áp đặt trở lại các đòn trừng phạt nếu như Washington nhận thấy Tehran vi phạm các điều khoản của Thỏa thuận. Các nhà ngoại giao nói rằng Mỹ có thể đối mặt với cuộc đấu khó khăn nếu đưa ra động thái như vậy trong tuần tới.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng Mỹ đã thất bại trong việc tiêu hủy cái mà ông gọi là thỏa thuận “còn sống một nửa” - trong đó các siêu cường gỡ bỏ bớt cấm vận để đổi lại việc Iran hạn chế chương trình phát triển hạt nhân. “Mỹ đã thất bại trong âm mưu này” - ông Rouhani nói - “Ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử của đất nước Iran chúng tôi và lịch sử của việc chống lại sự kiêu căng trên toàn cầu”.
Được biết, chỉ có 2 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Mỹ, điều này cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa Washington và các đồng minh châu Âu kể từ khi ông Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018. “Trong suốt 75 năm lịch sử của Liên hợp quốc, nước Mỹ chưa bao giờ bị cô lập đến như vậy” - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nói.
Ở Iran, người dân tại thủ đô Tehran cũng có nhiều phản ứng khác nhau về tuyên bố của ông Trump. “Đây là một trò chơi chính trị của Mỹ. Một ngày họ đưa ra nghị quyết cho Hội đồng Bảo an, và ngày hôm sau họ nói rằng họ đã chiếm” nhiên liệu của Iran - một cư dân tên Ahmadi sống tại thủ đô Tehran nói với Reuters.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng tỏ ra hoài nghi về việc liệu Washington có thể thúc đẩy các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran hay không, khi mà nhiều chuyên gia nói rằng hành động này có thể đẩy Hội đồng Bảo an LHQ vào một trong số những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất.
Cũng trong cuộc họp báo nọ, Tổng thống Trump nói rằng ông “có thể không” tham gia vào một hội nghị thượng đỉnh mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất nhằm giải quyết vấn đề trên. “Tôi nghĩ tôi sẽ chờ cho đến sau kỳ bầu cử” - ông Trump nói về kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ tổ chức vào tháng 11 năm nay.
Chia rẽ
Trước đó, Tổng thống Putin đã kêu gọi Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ, Đức và Iran tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp trực tuyến để tìm ra giải pháp tránh gia tăng căng thẳng ở khu vực Vùng Vịnh. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong chuyến thăm Ba Lan, nêu rõ rằng Mỹ sẽ thúc đẩy hội nghị.
“Không may thay, Pháp và Anh không ủng hộ điều mà các nước Vùng Vịnh đã yêu cầu, điều mà người Israel đã yêu cầu. Tôi rất lấy đó làm tiếc” - ông Pompeo nói - “Mỹ quyết tâm đảm bảo rằng người Iran và chính quyền Iran không thể gây ra thêm tổn hại cho thế giới”.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng chỉ trích kết quả bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an LHQ. “Chủ nghĩa khủng bố và sự hung hăng của Iran đe dọa hòa bình khu vực và toàn thế giới. Thay vì phản đối bán vũ khí, Hội đồng Bảo an lại ủng hộ họ” - ông Netanyahu nói.
Lệnh cấm bán vũ khí truyền thống đối với Iran dự kiến hết hạn vào ngày 18/10 theo các điều khoản của một nghị quyết nằm trong Thỏa thuận hạt nhân Iran - còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Kể từ khi ông Trump rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương áp lệnh trừng phạt với Iran, Tehran đã ngừng cam kết một số điều khoản trong Thỏa thuận.
Các đồng minh châu Âu của Mỹ - cùng với Nga và Trung Quốc, những bên ký Thỏa thuận với Iran - đã nêu rõ sự ủng hộ đối với việc gia hạn điều khoản cấm bán vũ khí kéo dài 13 năm qua với Iran, nói rằng điều khoản này hết hạn sẽ đe dọa sự bình ổn của khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của họ vẫn là duy trì JCPOA.