Doanh nghiệp lao đao vì Covid-19
Làn sóng Covid-19 quay trở lại khiến hầu hết các ngành sản xuất đều khó khăn, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.
Trong bảng báo cáo tài chính của mình, hàng loạt doanh nghiệp (DN) ngành bất động sản không giấu nổi lo lắng khi liên tục đạt được kết quả kinh doanh không khả quan trong 2 quý đầu năm 2020.
Báo cáo tài chính quý II của Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) cho thấy, doanh thu thuần của công ty này giảm 68% so với cùng kì năm trước, còn 101 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự sụt giảm này không có gì khác ngoài dịch Covid-19. Theo NTL, dịch bệnh tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh khiến tiến độ bán hàng và thu tiền chậm lại, dẫn đến doanh thu bị sụt giảm mạnh so với quí 2/2019. Lợi nhuận gộp tương ứng giảm 47%, còn 60 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng đột biến từ 139 triệu đồng lên 3,5 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, NTL đạt 143 tỷ đồng doanh thu thuần và 68 tỷ đồng lãi trước thuế, tương ứng giảm 68% và 55% so với nửa đầu năm 2019. Với kết quả này, NTL mới hoàn thành được 16% chỉ tiêu doanh thu và 17% lãi trước thuế cả năm.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính của NTL vẫn còn sáng sủa hơn nhiều DN bất động sản khác vì chưa rơi vào cảnh lỗ nặng. Có DN công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ trong quý II lên tới hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân suy giảm chủ yếu giảm từ doanh thu dịch vụ môi giới bất động sản.
Đáng chú ý, nhiều DN ngành xây dựng cũng đang đối diện với nguy cơ ngừng hoạt động, khó giữ được người lao động vì không có doanh thu.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc một DN trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho biết, DN của ông có hơn 70 công nhân đang phải hoạt động trong bối cảnh hết sức khó khăn.
“Khoảng 3 tháng trở lại đây công ty vẫn đang cố sức để đảm bảo đủ lương cho công nhân, song với làn sóng Covid-19 đang quay trở lại, nguy cơ chúng tôi phải cắt giảm nhân lực là khó tránh. Chúng tôi cũng không biết sẽ có thể cầm cự được trong thời gian bao lâu nữa nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay”- ông Thắng nói.
Trong khi đó, các DN ngành dệt may, da giày cũng đang trong tình trạng cạn kiệt đơn hàng vì Covid-19. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Da - Giày -Túi xách Việt Nam (Lefaso), tổng cầu ngành da giày đã bị tác động từ lúc mới bùng phát Covid-19. Các DN lớn bị giảm tới 50% đơn hàng, hàng loạt DN nhỏ buộc phải đóng cửa. Tình hình này kéo theo hệ lụy là DN phải cắt giảm đến 30% nhân công, thậm chí có DN giảm đến 70% nhân công.
Bà Xuân cho hay, các DN chỉ có thể “chịu nhiệt” được đến hết tháng 10, nếu dịch bệnh còn kéo dài đến năm sau, thực sự sẽ là vấn đề lớn đối với DN ngành da giày.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, dịch bệnh Covid-19 đã khiến các DN kiệt sức. Con số hơn 29.000 DN tuyên bố phá sản, ngừng hoạt động trong quý II/2020 là minh chứng rõ nét cho điều đó. Con số này so với cùng kỳ năm 2019 đã tăng 38,2%.
Khó khăn là vậy song, nhiều DN cho biết, họ vẫn khó có thể tiếp cận được với gói hỗ trợ của Chính phủ đưa ra đối với các đối tượng bị thiệt hại vì Covid-19. Nguyên nhân chủ yếu do các quy định điều kiện được hưởng các chính sách rất khắt khe, DN khó đáp ứng được.
Chẳng hạn, với gói hỗ trợ tín dụng, có ngân hàng thương mại yêu cầu DN phải chứng minh được thiệt hại do Covid-19 gây ra, chứng minh khả năng trả nợ... Vì thế, nhiều DN “tặc lưỡi” bỏ qua còn hơn là phải chứng minh hàng loạt các thủ tục “hóc búa”.