Đoàn kết như thời Việt Minh
Năm 1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8, họp tại bản Khuổi Nậm (huyện Hà Quảng, Cao Bằng) quyết định việc thành lập Mặt trận Việt Minh. Nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam Hoàng Quốc Việt đã dành một số trang về hội nghị lịch sử này trong cuốn hồi ký “Chặng đường nóng bỏng” (Xuân Cang ghi - NXB Lao Động 1985), dưới đây là đoạn trích về diễn biến của hội nghị:
“Chỗ họp của chúng tôi ở vùng Pác Bó, Hà Quảng nhưng khác chỗ đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở là hang Pác Bó mà sách báo ta thường tả. Khu rừng kín đáo lắm, tôi nhớ nhiều sáng chúng tôi phải ra tận đám ruộng bậc thang cho thoáng để vận động cơ thể và hít thở không khí. Chúng tôi tập thể dục còn “Ông Ké” thì tập “nhu quyền”, động tác khoan thai, mềm mại, đẹp và lạ.
Một căn nhà sàn nhỏ trong rừng như một cái lán. Ngay trước lán có một cây hoa mạ màu vàng rợi. Trên sàn có một chõng tre dài làm bàn viết, những khúc gỗ làm ghế ngồi. Chính ở chỗ hoang vu, bí hiểm ấy, trong túp lều đơn sơ, trống trải đã là nơi bàn đến những vấn đề thiêng liêng nhất thuộc về vận mệnh của Tổ quốc, những việc có tầm quan trọng quyết định đối với bước ngoặt của lịch sử nước nhà mấy năm sau đó.
Chúng tôi ngồi quây quần quanh ông cụ, những ngày đầu chưa phải ghi chép gì nhiều, mắt mọi người cứ dán vào ông cụ. Mới đầu chúng tôi gọi ông cụ là đồng chí, rồi gọi là cụ, sau thấy anh Trường Chinh và anh Thụ dùng tiếng BÁC hợp với lòng mình quá nên từ đấy chúng tôi bắt đầu thưa với Bác bằng cái tên thân yêu mà bây giờ tất cả anh chị em chúng ta đều gọi.
Ngoài giờ họp, Bác thường gọi từng đại biểu ra một chỗ riêng hỏi chuyện. Tôi được Bác hỏi hai, ba lần. Bác hỏi về đời sống của nhân dân, chính sách áp bức của Nhật, Pháp. Hai anh Xứ ủy Trung Kỳ được Bác gọi riêng nhiều lần. Hội nghị lần này thiếu các đại biểu Xứ ủy Nam Kỳ vì sau khởi nghĩa, quân thù khủng bố gắt gao, nhiều xứ ủy viên bị bắt. Nhưng bù lại có anh Đỗ Anh, Xứ ủy Trung Kỳ vừa có thời gian dài công tác trong Nam ra, biết rõ tình hình trước khi Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại.
Bác muốn biết tình hình càng sâu vào phía Nam càng tốt. Có lần Bác trò chuyện với mấy anh em chúng tôi. Bác hỏi kỹ về thái độ các tầng lớp đồng bào đối với cách mạng, người già thế nào; thanh niên, phụ nữ thế nào; thiếu nhi thế nào? Rồi đến địa chủ, tư sản. Địa chủ bóc lột tô, tức nhưng họ có ghét Tây không, có ghét Nhật không? Địa chủ có mấy hạng? Có anh em trẻ hăng hái nói: “Bóc lột là không được”, Bác lại hỏi: “Nhưng họ có giúp cách mạng, vậy họ có yêu nước không?”. Cứ như thế mà hình thành trong chúng tôi tư tưởng chỉ đạo về đường lối mặt trận ngay trong hội nghị. Trong căn nhà bé nhỏ ấy biết bao nhiêu vấn đề được sáng tỏ: Tình hình thế giới, trong nước và nhiệm vụ nóng bỏng giải phóng các dân tộc Đông Dương; đường lối đoàn kết toàn dân và chủ trương về Mặt trận Dân tộc Thống nhất… (trang 208 - 209).
Nguyễn Ái Quốc kiên trì giải thích tại hội nghị cũng như gặp riêng mỗi đại biểu, rằng mọi người Việt Nam đều yêu nước và đã yêu nước thì đều được tham gia Mặt trận, dù là thành phần bóc lột vì tư sản, địa chủ ở nước ta không những yêu nước mà còn biểu hiện lòng yêu nước ấy bằng việc thường xuyên ủng hộ cách mạng bằng mọi cách.
Thành viên của Mặt trận Việt Minh bao gồm từ thiếu niên nhi đồng, thanh niên, phụ nữ cho đến lão thành; từ công nhân, nông dân đến trí thức, văn nghệ sĩ; các đảng phái cùng với Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, tức là bao gồm toàn thể dân tộc. Trong lời giới thiệu bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” (xuất bản lần thứ hai năm 1994) có đoạn nói đến ý kiến của Hồ Chủ tịch, xin trích: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” - luận điểm nổi tiếng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tư tưởng chỉ đạo chiến lược lớn xuyên suốt cả quá trình cách mạng Việt Nam.
Người cho rằng “hễ là người Việt Nam thì ai cũng có lòng yêu nước, ghét giặc nên ngày đầu khi thành lập Đảng, Người đã đề ra chủ trương thành lập Hội Phản đế đồng minh, một hình thức mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống đế quốc. Góp ý kiến về đường lối, chủ trương của Đảng thời kỳ 1936 -1939, Người đã bổ sung vào tên gọi Mặt trận thành Mặt trận dân tộc, dân chủ rộng rãi không những của nhân dân lao động mà gồm cả giai cấp tư sản dân tộc và nhắc nhở phải tránh hết sức để họ ở ngoài mặt trận. Ngay khi về đến Cao Bằng năm 1941, Người đã cho tổ chức thí điểm các hội quần chúng để rút kinh nghiệm tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh”. (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 1, Chương XIV).
Mọi người Việt Nam làm bất cứ nghề gì, sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có Hội cứu quốc. Doanh nhân, tư sản có Hội Công Thương cứu quốc; binh sĩ trong quân đội thực dân Pháp có Hội Binh sĩ cứ quốc; công chức trong bộ máy cai trị của thực dân có Hội Công chức cứu quốc; Giáo phái Cao Đài có Cao Đài cứu quốc. Các hội cứu quốc, kể cả Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc... đều là thành viên của Mặt trận Việt Minh.
Trong lòng dân tộc không có hận thù, không có tầng lớp này chống tầng lớp kia; đã đoàn kết toàn dân thì không có đấu tranh giai cấp; người giác ngộ trước nâng đỡ, dìu dắt người giác ngộ sau; đã là người Việt Nam đều thương yêu, đùm bọc, cưu mang nhau. Lòng yêu nước và lợi ích dân tộc đã gắn bó mọi người Việt Nam trong một đại gia đình như Mặt trận Việt Minh; đoàn kết muôn người như một như lời ru của mẹ, của bà từ bao đời: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương; người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Từ những tư tưởng đoàn kết triển khai tại Hội nghị TW8 thành lập Mặt trận Việt Minh mới thêm hiểu sâu xa về bài báo đầu tiên Nguyễn Ái Quốc viết khi về nước đăng trên báo “Việt Nam Độc lập” có đầu đề “Nên học sử ta”. Phải sống ở nước ngoài nhiều năm, lại là mấy nước lớn đã làm nên một số cuộc cách mạng lừng lẫy nổi tiếng thế giới mới thấy sử nước ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta thời nào cũng có nhiều người tài giỏi đánh Bắc, dẹp Nam, yên dân, trị nước, tiếng để muôn đời.
Sức mạnh của toàn dân phải tập trung cao độ mới có thể đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta gấp bội. Bài học mãi mãi vô giá. Nguyễn Ái Quốc ghi trong bài báo “Nên học sử ta” như sau: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây, Nhật khôi phục lại độc lập, tự do”.
Các đại biểu đều mong đoàn kết toàn dân như Mặt trận Việt Minh được thực hiện rộng rãi trên cả nước, chắc chắn ở đâu nhân dân cũng nhiệt liệt ủng hộ. Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị đã cử đại biểu Trường Chinh làm Tổng Bí thư thay Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ đã bị địch sát hại. Nắm vững tôn chỉ, mục đích của Mặt trận Việt Minh là đoàn kết không bỏ sót ai, không loại trừ ai, tất cả đều là ta, mọi giai cấp, mọi đảng phái đều sát cánh bên nhau dưới ngọn cờ dân tộc chống Pháp, Nhật, giành thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.
Mở trường lớp đào tạo cán bộ Việt Minh là đòi hỏi vô cùng cấp bách của tình hình đặc biệt khi quân đồng minh đã chiếm ưu thế so với phát xít Đức; riêng Hồng quân Liên Xô đã tiến vào đất Đức. Tài liệu học tập là “Lịch sử nước ta”, Nguyễn Ái Quốc viết khi về đến Cao Bằng theo thể diễn ca để dễ thuộc lòng vì còn có nhiều người mù chữ, kể cả một số cán bộ cơ sở: Lớp học của các tỉnh ủy viên tập trung ở xã Vân Xuyên, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, mỗi lớp thời gian học là 8-9 ngày. Tổng Bí thư Trường Chinh đã trực tiếp phụ trách lớp học này với nội dung tận dụng thời cơ để tiến đến Tổng khởi nghĩa.
Đoàn kết toàn dân, một số người giàu có ở thành phố và nông thôn đã tham gia Việt Minh. Ông bà Trịnh Văn Bô- nhà buôn tơ lụa giàu có nổi tiếng khu buôn bán sầm uất Hàng Ngang, Hàng Đào - đã là cơ sở của Mặt trận Việt Minh từ năm 1944. Cũng khoảng năm 1944, nhà đại điền chủ Huỳnh Thiên Lộc ở miền Tây Nam bộ đã hiến cho mặt trận 2 vạn hecta ruộng đất ở Rạch Giá và tham gia Mặt trận Việt Minh của tỉnh.
Chỉ trong vòng hơn 4 năm, từ 1941 đến 1945, với nghị quyết lịch sử thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) mà khối đoàn kết toàn dân đã được củng cố rộng rãi, liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước. Tháng 8/1945 khi chiến tranh thế giới lần thứ hai biến chuyển nhanh với sự đầu hàng của quân đội Nhật trước quân đội đồng minh; Mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng để đảm đương hai nhiệm vụ lịch sử to lớn là Tổng khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám.