Nguồn lực báo chí trong 'cơn lốc' 2020
Trong những đợt dịch Covid-19 đầy cam go, cả xã hội ghi nhận vai trò của báo chí góp phần cho thành công của phòng, chống dịch đợt 1 và cuộc chiến đang tiếp diễn trong tâm điểm của làn sóng thứ 2.
Nhưng như nhận định của ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và truyền thông) tại một hội nghị diễn ra mới đây: “Lúc xã hội cần báo chí nhất thì vấn đề bài toán nguồn lực trở nên vô cùng nan giải, dẫn đến suy nghĩ của những người làm báo tử tế là liệu làm báo tử tế thì có sống được không?”.
Cùng với sự ảnh hưởng sâu sắc chung từ Covid-19, báo chí trong năm 2020 còn chịu tác động dù tích cực nhưng không thể không có những xáo trộn nhất định từ lộ trình quy hoạch báo chí sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 9 năm nay.
Giữa những ngày cả nước dồn sức cho phòng, chống dịch và báo chí sát cánh cùng những người chống dịch ở tuyến đầu, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Lê Thọ Bình - Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí điện tử Viettimes xung quanh câu chuyện này.
PV:Thưa ông, trong đợt dịch cao điểm lần trước và làn sóng thứ 2 của đợt dịch này, bằng quan sát của mình, ông thấy báo chí đã và đang làm được gì? Vai trò của báo chí như nào trong phòng chống dịch Covid-19?
Nhà báo Lê Thọ Bình: Xét riêng về khía cạnh truyền thông thì trong đại dịch Covid-19 lần trước và lần này chúng ta làm rất tốt. Từ Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc nhanh, xử lý bình tĩnh, cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời.
Có thể nói báo chí đóng một vai trò quan trọng trong đại dịch này. Báo chí là cầu nối giữa các cơ quan chức năng, cơ quan phòng, chống dịch với người dân. Những thông tin được báo chí cung cấp thường xuyên làm cho người dân biết rõ sự nguy hiểm của đại dịch, nhưng không hoang mang; bình tĩnh phòng chống, cách ly và làm theo các chỉ dẫn của ngành y tế và các cơ quan chức năng. Vì vậy Việt Nam chúng ta đã chống chọi với Covid-19 khá thành công.
Cá nhân tôi cho rằng ngày thường có thể còn có nhiều chuyện, nhưng vào lúc đất nước khó khăn rất cần chung sức đồng lòng, thì thấy rất rõ một tinh thần đầy trách nhiệm, tính xả thân và cách hành xử văn minh của các nhà báo khi họ thực sự làm lan tỏa tình người, kết nối tình nghĩa đồng bào, thông tin chuẩn mực, kịp thời củng cố niềm tin và đoàn kết dân tộc, tiếp thêm sức mạnh cho những người ở tuyến đầu chống dịch. Ông có cùng quan điểm không?
- Chắc chắn rồi. Nhiều nhà báo, thậm chí mạo hiểm cả cuộc sống của mình, để tác nghiệp. Họ không chỉ đưa đến công chúng những thông tin kịp thời về đại dịch Covid-19, mà còn đưa tới những hình ảnh của đội ngũ y bác sĩ, những người phục vụ công tác phòng chống dịch, lực lượng vũ trang đang ngày đêm miệt mài tham gia chống dịch, những chiến dịch tình nguyện quyên góp vật chất, cứu trọ xã hội. Những hình ảnh như vậy có sức lan tỏa rất lớn, lay động lòng người, khiến mọi người, mọi tầng lớp chung tay vượt qua đại dịch.
Những thông tin được chia sẻ trên internet như Facebook cũng đóng vai rất quan trọng, giúp đoàn kết mọi người, cho dù họ có những nhận thức và quan điểm khác nhau.
Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc chỉ trích, phê phán, rồi “mạt sát” báo chí. Thậm chí có chuyên gia còn đưa ra các “khái niệm” mới liên quan tới nghề báo như “hổ báo, cáo chồn”, “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy”. Mà không nhìn thẳng vào sự thật để tìm nguyên nhân gây ra thực trạng này và đưa ra các giả pháp cụ thể về bài toán quản lý thì sẽ rất khó hạn chế, tiến tới chấm dứt thực trạng này.
Nhà báo Lê Thọ Bình
Nhưng Covid-19 cũng đưa báo chí đến một thử thách đầy nghịch lý: Thông tin được ngóng đợi nhưng lại không ra tiền. Doanh thu quảng cáo và phát hành sụt giảm. Nhiều tờ báo không còn nguồn lực cho phát triển. Như cách ông nhìn nhận, tình hình báo chí sắp tới sẽ ra sao?
- Khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát thì báo chí cũng đã gặp rất nhiều khó khăn rồi. Đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm khó khăn cho nền kinh tế nói chung, trong đó có báo chí.
Tại Diễn đàn Tổng biên tập với chủ đề “Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức mới đây đã nêu lên các con số rất cụ thể. Đại dịch Covid-19 khiến các cơ quan báo chí giảm nguồn thu trầm trọng. Phần lớn các tòa soạn sụt giảm doanh thu từ 30-50%, thậm chí có nơi giảm tới 80%.
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lưu Đình Phúc thì, với 900 cơ quan báo chí ở cả ba loại hình nhưng trong năm 2019, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google ở thị trường Việt Nam.
Đó là chưa kể báo chí chính thống Việt Nam còn phải đối diện với sự cạnh tranh quyết liệt từ những đối thủ khổng lồ là Google và Facebook trên cả bình diện quảng cáo và thông tin. Chỉ trong 10 năm trở lại đây, khoảng 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay nền tảng số xuyên biên giới. Mất nguồn thu đồng nghĩa với sa sút nội dung và giảm sự ảnh hưởng của truyền thông chính thống.
Tình hình này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới. Đại dịch Covid-19 rồi sẽ được khống chế, nhưng hậu quả của nó để lại cho nhân loại những di chứng mà cần phải có nhiều thời gian mới khắc phục được. Nền báo chí cách mạng Việt Nam sẽ còn phải đối diện với nhiều khó khăn trước bài toán nguồn thu. Tình hình này đòi hỏi từng cơ quan báo chí phải có những bước đi, giải pháp phù hợp để tìm nguồn thu cho báo chí phát triển.
Trong bối cảnh ấy, việc quy hoạch báo chí thời gian qua tác động như thế nào đến các tờ báo và cả nền báo chí thưa ông?
- Quy hoạch báo chí để báo chí phát triển, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững và phồn vinh là một chủ trương đúng.
Nếu chúng ta nhìn lại báo chí của chúng ta trong vòng chục năm trở lại đây thì thấy có rất nhiều vấn đề. Không thể phủ nhận là trong thời gian qua báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước trong mọi mặt của đời sống xã hội, phát triển kinh tế, trong công tác phòng chống tham nhũng và đặc biệt là trong chiến dịch phòng chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là, báo chí vừa qua phát triển rất lộn xộn, nhiều cơ quan báo chí thành lập thêm các chuyên trang, chuyên đề với mục đích có thêm nguồn thu, bất chấp việc đó có mang lại lợi ích cho cộng đồng hay không.
Tình trạng đưa những thông tin giật gân, câu khách bất chấp cả luân thường đạo lý; tình trạng “tống tiền”, vòi vĩnh, “đâm thuê chém mướn” diễn ra trong làng báo đang bị cả xã hội lên án. Nhiều nhà báo bị xử lý kỷ luật, có nhà báo bị khởi tố, vào tù.
Vì vậy, cần phải lập lại “trật tự kỷ cương” để báo chí thực sự phụng sự xã hội.
Tuy nhiên, quy hoạch như thế nào, các giải phát cụ thể và bước đi ra sao để báo chí phát triển ngày càng tốt hơn lại là vấn đề rất cần phải bàn, cần có nhiều diễn đàn về vấn đề này hơn nữa.
Quy hoạch báo chí thực sự đã tác động rất lớn đến cả nền báo chí nói chung và các tờ báo nói riêng. Một số tờ báo chuyển cơ quan chủ quản, không ít cơ quan báo chỉ chuyển mô hình hoạt động sang tạp chí; một số cơ quan báo chí có nhiều tờ báo, nhiều ấn phẩm, nhiều chuyên trang nay phải quy hoạch lại chỉ còn một cơ quan báo chí.
Những việc làm này đã gây nhiều khó khăn, xáo trộn, buộc các cơ quan báo chí phải tái cấu trúc, giảm biên chế, tuyển dụng mới để phù hợp với chức năng nhiệm vụ mới, vai trò mới. Những vấn đề này phải cần có thời gian để các cơ quan báo chí chuyển đổi chức năng nhiệm vụ, cách thức vận hành tòa soạn và tác nghiệp của phóng viên.
Có thực nó sẽ tạo ra sự nề nếp hơn, qui củ hơn và đúng tôn chỉ mục đích hơn không?
Ai sẽ giải quyết bài toán này cho báo chí sống được, để phục vụ xã hội? Nếu báo chí phải sống bằng mọi cách, kể cả cách không tử tế thì xã hội được gì và mất gì?
Phát biểu của ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Như chúng ta vừa đề cập, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phải quy hoạch lại báo chí là do sự phát triển lộn xộn, tình trạng “đâm thuê chém mướn”, “tống tiền” doanh nghiệp, “hành dân” của báo chí (có trường hợp một người dân xây nhà lấn chiếm mà có tới 70 nhà báo thay nhau đến truy vấn).
Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc chỉ trích, phê phán, rồi “mạt sát” báo chí. Thậm chí có chuyên gia còn đưa ra các "khái niệm" mới liên quan tới nghề báo như “hổ báo, cáo chồn”, “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy". Mà không nhìn thẳng vào sự thật để tìm nguyên nhân gây ra thực trạng này và đưa ra các giả pháp cụ thể về bài toán quản lý thì sẽ rất khó hạn chế, tiến tới chấm dứt thực trạng này.
Vậy đâu là nguyên nhân, theo cách nhìn của ông, và giải pháp ông muốn kiến nghị là gì?
- Trừ một số có động cơ khác, còn đa số là do “đói ăn”. Theo nhận xét của Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam thì đa số các phóng viên, cộng tác viên có dính líu đến tiêu cực, bị xã hội lên án là các nhà báo trẻ. Ta trách họ một phần, nhưng cũng nên nhìn nhận lại cơ chế nào đẻ ra thực trạng này.
Một số tờ báo, tạp chí ra đời, hoạt động không có lương, nhuận bút, chứ chưa nói gì tới BHXH, BHYT, vì vậy mới có chuyện bán giấy giới thiệu, thuê khoán theo giấy giới thiệu. Thử hỏi với những tờ báo, tạp chí như vậy, phóng viên, cộng tác viên sẽ tác nghiệp như thế nào ngoài việc hành doanh nhiệp để có phong bì, để đăng bài, rồi gỡ bài kiếm chác?
Để hạn chế thực trạng này, chúng ta nên nhìn từ bài toán quản lý. Theo tôi, việc cấp phép cho ra đời một tờ báo, tạp chí là căn cứ vào Luật báo chí, tổ chức nào nằm trong đối tượng được cấp phép thì cần phải cấp phép cho họ. Đó là điều kiện cần. Hiện nay cơ quan nhà nước về quản lý báo chí đang làm tốt việc này.
Tuy nhiên, cái cần phải xiết chặt là điều kiện đủ. Ví dụ: Cần có quy định cụ thể (điều kiện đủ) là muốn được cấp phép Cơ quan xin ra báo, tạp chí phải hội tụ đủ các điều kiện: (1) có trụ sở, (2) có đội ngũ phóng viên cơ hữu có thẻ nhà báo (đăng ký tên tuổi, số thẻ nhà báo với Cục báo chí để đăng công khai trên website của Bộ TT&TT), (3) phải có một ngân sách đủ để nuôi cơ quan báo chí ít nhất là 3 hay 5 năm (thành lập một quỹ báo chí tại kho bạc nhà nước chẳng hạn).
Về hành nghề, tác nghiệp: cần quy định chỉ có phóng viên đã có thẻ nhà báo mới được tác nghiệp. Trường hợp đặc biệt thì tổng biên tập phải cam kết chịu trách nhiệm trước hoạt động của phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo (chưa đủ 2 năm hoạt động báo chí).
Vì vậy, để xin ra báo, tạp chí, các cơ quan chủ quản nên hết sức cân nhắc, chuẩn bị đầy đủ ngồn lực, tài chính thì mới xin ra báo, tạp chí để cơ quan báo chí hoạt động tốt, vừa tuyên truyền được cho hoạt động, vừa nâng cao vị thế của cơ quan chủ quản.
Nếu chúng ta làm được như thế cộng với nâng cao vai trò của các tổng biên tập, tu dưỡng đạo đức nhà báo…, tôi tin rằng, nạn “báo tặc”, vòi vĩnh, “đâm thuê chém mước” sẽ hạn chế được, từng bước tiến tới loại trừ các hiện tượng ấy ra khỏi đời sống báo chí.
Việc quy hoạch trên tổng thể có thể tốt hơn nhưng đối với một số tờ báo chịu áp lực sáp nhập, giải thể thì theo ông thế nào?
- Một số cơ quan báo chí chuyển đổi chủ sở hữu thì bước đầu không gian hoạt động sẽ rộng hơn, tôn chỉ mục đích mở hơn. Ví dụ một số tờ báo ở TP.HCM, tờ thì về trực thuộc Thành ủy, tờ thuộc UBND TP. Chắc chắn khi về trực thuộc các tổ chức, cơ quan này các tờ báo sẽ có vị thế tốt hơn, nếu được đầu tư, hay đặt hàng sẽ có nguồn ngân sách lớn hơn. Tuy nhiên sau năm 2025, theo quy hoạch, thì một số tờ báo thuộc Thành ủy, hoặc UBND sẽ phải chuyển thành chuyên đề, chuyên trang của một cơ quan báo chí chính.
Một số cơ quan báo chí chuyển đổi mô hình hoạt động thành tạp chí cũng vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Trở thành tạp chí các phóng viên, biên tập viên có thời gian và không gian tác nghiệp những vấn đề chuyên sâu- những tác phẩm có tính xác tín cao, rất cần cho người đọc, khi mà thông tin thật giả tràn lan trên môi trường internet. Tuy nhiên, thách thức lớn là các cơ quan này phải tái cấu trúc lại. Có những cơ quan báo chí có nhiều tờ báo, nhiều chuyên trang nay phải thu hẹp lại còn một tạp chí hoặc giấy, hoặc điện tử. Cũng là một thách thức không nhỏ khi buộc phải giảm quy mô nhân sự, cách vận hành một tòa soạn và tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Vừa rồi có một vị lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước phát biểu là áp lực cạnh tranh, câu view “rẻ nhất thế giới” đang khiến báo chí kéo nhau đi vào một cuộc đua đi về 0. Ông có thêm bình luận gì về việc này?
- Có một thực tế là không một tờ báo nào hoạt động mà lại không cần lôi kéo bạn đọc. Bạn đọc là thước đo vị thế của tờ báo. Viết báo để có view không có gì xấu, nhưng câu view như thế nào lại là cả một câu chuyện cần tranh luận. Theo ý kiến cá nhân tôi thì, với nhà báo, không có đề tài nào là không thể lôi kéo bạn đọc được cả.
Tôi xin lấy một dẫn chứng, khoảng năm 2004, khi vào dự đưa tin về một phiên họp Quốc hội, tôi nghe đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng đang phát biểu, trong đó có một ý ông Dũng nói là đồng bào dân tộc thường quy đổi tất cả ra trâu. Đầu giờ sáng hôm đó, tôi nhận được một công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải phê bình Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên đi xe Lexus quá tiêu chuẩn. Nếu làm cái tin với title “Chủ tịch Hà Nội đi xe quá tiêu chuẩn bị Thủ tướng phê bình” thì chắc không mấy ai đọc.
Tôi về Văn phòng báo, gọi điện lên Lai Châu hỏi giá một con trâu là bao nhiêu. Chiếc xe trị giá 5 tỷ ấy mua được gần 3.000 con trâu. Tôi làm cái tin “Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên “cưỡi” 3.000 con trâu”. Nhờ cái title ấy mà dư luận thời bấy giờ xôn xao về thông tin đó.
Tôi là người phản đối việc câu view bằng mọi giá kiểu như “Em gái Hồ Ngọc Hà dậy thì sớm”, “7 lần Angela Phương Trinh gây “bão” vì áo váy”… Cách làm báo như vậy đang biến báo chí thành những “món hàng” rẻ tiền. Nhiều tờ báo câu view kiểu như vậy để kiếm sự chia sẻ doanh thu từ Google. Như chị vừa nhắc đến việc một nhà quản lý nói, sự chia sẻ như vậy tính ra “view của báo chí Việt Nam là rẻ nhất thế giới”. Đó là chưa nói, kiểu chạy theo thuật toán của các công ty công nghệ chỉ khiến chất lượng nội dung đi xuống. Vì thế, theo tôi, niềm tin của công chúng đối với báo chí giảm sút là thách thức còn lớn hơn câu chuyện nguồn thu.
Cuối cùng, thì phải trở lại câu hỏi: liệu làm báo tử tế thì có sống được không để phụng sự xã hội như ông đã từng nói, khi mà báo chí đang phải sống bằng mọi cách?
- Theo tôi, làm báo tử tế không chỉ sống được mà còn sống rất tốt. Người đọc luôn cần những tác phẩm báo chí hay, có tính xác tín cao. Họ sẵn sàng trả tiền vì điều đó.
Doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng báo chí, nếu báo chí giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu và uy tín của họ. Nếu chúng ta nhìn vào bức trang màu sáng của báo chí Việt Nam thì số lượng các cơ quan báo chí sống tốt bằng nghề báo đâu có ít.
Xin cảm ơn ông!