Thư chung 1980- con đường mới của người Công giáo Việt Nam
Thư chung 1980 đã mở ra một trang sử mới cho Giáo hội Công giáo Việt Nam trên con đường đoàn kết, hòa hợp dân tộc, mở ra một thời kỳ mới cho người Công giáo đoàn kết dân tộc xây dựng quê hương, đất nước.
Công giáo vào Việt Nam từ năm 1533, nhưng trong quá trình đó do nhiều nguyên nhân mà sự đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội lại rất chậm, công tác đại đoàn kết đối với người Công giáo gặp nhiều khó khăn, phong trào đại đoàn kết của người Công giáo hầu như chỉ gói gọn trong các “xóm đạo” và việc đạo. Chỉ khi đất nước thống nhất, Giáo hội hai miền thống nhất và tổ chức thành công Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) lần thứ nhất vào cuối tháng 4/1980, ra Thư chung với tinh thần “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” thì tinh thần đại đoàn kết trong đồng bào Công giáo mới thực sự trở thành phong trào sâu rộng.
Thư chung 1980 đã mở ra một trang sử mới cho Giáo hội Công giáo Việt Nam trên con đường đoàn kết, hòa hợp dân tộc, mở ra một thời kỳ mới cho người Công giáo đoàn kết dân tộc xây dựng quê hương, đất nước.
Nội dung chính yếu của Thư chung 1980 là khẳng định người Công giáo Việt Nam trong lòng dân tộc, điều đó cũng có nghĩa là người Công giáo cũng là hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc, là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam.
Thư chung khẳng định: “Là Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước”.
Có thể thấy, sau 447 năm truyền giáo thì đây là “tuyên bố” đầu tiên Giáo hội thể hiện một cách mạnh mẽ quyết tâm gắn bó với dân tộc. Giáo hội ý thức được chỉ có đoàn kết dân tộc thì mới thực hiện tốt việc gắn bó dân tộc, mới thực sự là Giáo hội của người Việt Nam, là chi thể của dân tộc, không đứng ngoài, đứng bên mà đứng trong lòng dân tộc.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập và tự cường dân tộc; cần cù, sáng tạo, đoàn kết, chia sẻ với nhau đã làm nên một Việt Nam hào hùng. Giáo hội quyết tâm noi theo truyền thống dân tộc để hòa mình vào cuộc sống của quê hương chính là động lực, là khơi dậy, thúc đẩy đồng bào Công giáo đã vốn mang trong mình dòng máu của người Việt Nam với đầy đủ các giá trị, đạo đức truyền thống của người Việt Nam.
Bắt nguồn từ đường hướng sâu xa ấy người Công giáo Việt Nam đã xác tín là công dân của đất nước, họ có nghĩa vụ và quyền lợi bình đẳng trong xã hội. Tham gia hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội và an ninh - quốc phòng để góp phần xây dựng, phát triển đất nước bảo vệ tổ quốc như nội dung của Đại hội HĐGMVN lần thứ VIII đề ra “Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và thăng tiến con người. Ta không nhìn những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc, nhưng nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết, hầu cho mọi người đựơc sống và sống dồi dào”.
Trên nền tảng Thư chung 1980, văn kiện của các Đại hội HĐGMVN sau này tiếp tục phát triển, thúc đẩy phong trào đại đoàn kết dân tộc bằng nhiều các mệnh đề cụ thể trong từng lĩnh vực.
Có thể nói tinh thần của Thư chung 1980 đã thúc đẩy người Công giáo thực hiện tốt nghĩa vụ là người công dân, sống và làm theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Đất nước nào, xã hội nào và thời đại nào cũng có những hạn chế, bất cập, nhưng là con dân, chúng ta không nên xem đó là vấn đề của Nhà nước, không đứng ngoài, đứng trên Nhà nước để “phán xét”. Người Giáo dân phải đặt mình vào xã hội, vào vị trí của một công dân trong lòng đất nước để đồng cảm, chia sẻ những hạn chế mà cả xã hội đang tìm cách khắc phục, đồng thời phát huy truyền thống bác ái của Giáo hội trong lòng dân tộc.
Với những định hướng đúng đắn trong Thư chung 1980, các văn kiện của Giáo hội, người Công giáo Việt Nam đã có nhiều phong trào đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa thiết thực, đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, cụ thể:
Một là, người Công giáo thực hiện đoàn kết dân tộc, góp phần vào đồng thuận xã hội trong thực hiện chính sách, pháp luật. Hai là, người Công giáo với phong trào đại đoàn kết dân tộc góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ba là, người Công Giáo đoàn kết thực hiện các phong trào an sinh xã hội. Bốn là người Công giáo với phong trào phòng chống đại dịch Covid-19. Năm là, người Công giáo với phong trào đoàn kết dân tộc, hội nhập văn hóa trong các dân tộc thiểu số. Sáu là, người Công giáo với phong trào đoàn kết trong bảo vệ môi trường.
Trong những phong trào kể trên thì công tác an sinh xã hội được thể hiện ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, được thực hiện rất sớm với 3 mô hình: Thành lập trường, lớp mẫu giáo tư thục, nhóm trẻ; thành lập các trung tâm dạy nghề do Giáo phận, Dòng tu đảm nhận, trong các cơ sở dạy nghề, các em được học văn hóa, học ngoại ngữ, đào tạo nghề, kỹ năng trong nội trợ, cách tổ chức cuộc sống gia đình tạo lập cho các em các kỹ năng mềm; thành lập lưu xá học sinh hỗ trợ các em nghèo hiếu học. Ngoài việc đi học, các em được dạy các kỹ năng sống, biết chia sẻ, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Một điểm nổi bật của công tác an sinh xã hội còn là hoạt động y tế và từ thiện nhân đạo. Hoạt động này chủ yếu hướng đến người nghèo, người bệnh và được triển khai đa dạng ở nhiều lĩnh vực với cấp độ và quy mô khác nhau. Các giáo phận thành lập các trung tâm, nhà mồ côi chăm sóc, cơ sở chăm sóc bệnh nhân phong, trẻ khuyết tật... gắn với tên tuổi của nhiều tu sĩ.
Trải qua nhiều năm tháng, hoạt động an sinh xã hội của Công giáo không chỉ mang lại hiệu quả trong hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, mà cao hơn là về mặt tinh thần. Sự chăm sóc tận tình, thái độ tôn trọng và cảm thông không ranh giới với người bệnh, người nghèo của các tu sĩ chính là nguồn động viên, khích lệ người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, góp phần làm giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước, đóng góp vào phát triển bền vững xã hội.
Và đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, phong trào đoàn kết trong phòng chống dịch bệnh đã được người Công giáo nêu gương.
Ngay từ ngày 2/2/2020 HĐGMVN đã ra Thông báo kêu gọi tín đồ dành một tuần cầu nguyện để thế giới qua cơn đại dịch, cầu xin các nhà khoa học sớm tìm ra thuốc chữa trị căn bệnh và bệnh nhân bị nhiễm sớm khỏi bệnh. Theo đó Giám mục các Giáo phận đã ban hành Thư chung, Thư mục vụ, Thư luân lưu hướng dẫn các Linh mục, Tu sĩ và tín đồ phòng chống dịch và thực hiện các lễ nghi Tôn giáo trong tình hình mới.
Trong các văn thư của các Tòa Giám mục ngoài nội dung hướng dẫn Chức sắc, tín đồ thực hiện phòng chống dịch, còn có nội dung kêu gọi mọi người ủng hộ giúp đỡ công tác phòng chống dịch. Một ví dụ là ngày 28/3/2020, Tòa Giám mục Bùi Chu ban hành Thông báo, trong đó nêu cao trách nhiệm xã hội: “Ngay tại Rôma và biết bao Giáo phận trên toàn thế giới, các vị chủ chăn đã phải quyết định ngưng mọi Thánh lễ và các sinh hoạt mục vụ có tập trung đông người. Trong sự hiệp thông với Giáo hoàng, với Giáo hội Hoàn vũ, cùng với cộng đồng xã hội tại Việt Nam, chúng ta ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe và sự sống của chúng ta và của mọi người”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, của các vị lãnh đạo Giáo hội, nhiều Giáo phận, Giáo xứ, Dòng tu đã có các hoạt động bác ái thiết thực, giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch.
Các phong trào đoàn kết dân tộc trở nên thiết thực và hiệu quả khi Giáo hội gắn trách nhiệm với đức tin, đề cao những tấm gương tốt lành trong Giáo hội.
Khó có thể kể hết được những đóng góp của người Công giáo trong phong trào đại đoàn kết dân tộc trong suốt nhiều năm qua. Để cho phong trào này ngày một lan rộng, có sức sống bền bỉ trong mỗi tín đồ Công giáo thì hơn lúc nào hết người Công giáo hãy tiếp tục suy ngẫm và thực hiện chỉ dẫn của Giáo hội tại Thư Mục vụ Đại hội lần II HĐGMVN “Chúng tôi cũng mong Anh chị em đọc lại bức Thư chung 1980 của HĐGMVN. Bức thư đó đã đem lại cho chúng ta một niềm tin phấn khởi và giúp chúng ta đạt được nhiều thành tích tốt đẹp cả về hai mặt đạo đời”.