Mỹ công bố phương pháp xét nghiệm Covid-19 mới: Cuộc đua vào hồi gay cấn
Ngày 17/8, một thông tin “gây sốt” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19: Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tìm ra phương pháp xét nghiệm mới bằng nước bọt có thể là lựa chọn nhanh và rẻ để người Mỹ biết được họ có mắc Covid-19 hay không.
Kênh CNN (Mỹ) đưa tin, các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế công cộng Yale đã hình thành xét nghiệm SalivaDirect và được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp quyền sử dụng khẩn cấp trong ngày 16/8.
“Xét nghiệm nhanh SalivaDirect về virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 là sáng kiến thay đổi cuộc chơi, sẽ giảm nhu cầu đối với những nguồn xét nghiệm hiếm”- Brett Gioir, người phụ trách công tác xét nghiệm Covid-19 của Nhà Trắng nói và cho biết rằng, không giống như những xét nghiệm khác cần thiết bị chuyên dụng, SalivaDirect đôi khi chỉ cần chai thuốc thử mua tại các hiệu thuốc.
Còn chuyên gia dịch tễ học Nathan Grubaugh- người tham gia nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đơn giản hóa xét nghiệm để tổng giá thành chỉ còn vài USD cho những chai thuốc thử. Chúng tôi dự kiến rằng phòng thí nghiệm chỉ thu phí 10 USD/mẫu xét nghiệm. Nếu phương pháp giá thành rẻ như SalivaDirect được thực hiện thì chúng ta có thể xử lý được dịch Covid-19 trước cả khi có vaccine”.
Vị chuyên gia này cho biết, SalivaDirect có thể đưa ra kết quả trong chưa đầy 3 tiếng đồng hồ với độ chính xác tương đương hình thức xét nghiệm đang được áp dụng hiện nay. “Chỉ một hai tuần tới, SalivaDirect sẽ được công khai”- ông S.Direct nói một cách tin tưởng.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, đến 11 giờ ngày 17/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Mỹ là trên 5,56 triệu người, trong đó có 173.128 người tử vong.
Thông tin kể trên được cho là “làm giảm tiếng tăm của vaccine Sputnik-V của người Nga”, khi trước đó, vào ngày 15/8, Bộ Y tế Nga thông báo nước này bắt đầu sản xuất vaccine phòng ngừa Covid-19, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sĩ N.F.Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển.
Trước đó, ngày 11/8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngăn ngừa Covid-19. Bộ Y tế LB Nga khẳng định kết quả thử nghiệm đã cho thấy vaccine phát huy hiệu quả, có độ an toàn cao và khả năng miễn dịch kéo dài đến 2 năm. Quan chức Bộ này cũng cho biết đã có hơn 20 quốc gia đặt mua Sputnik-V, với hơn 1 tỷ liều.
Tuy nhiên, Sputnk-V của người Nga cũng phải nhận nhiều chỉ trích cho rằng kết quả đó rất không đáng tin cậy khi đã “rút ngắn đến mức khó hiểu” thời gian thử nghiệm trên người. Đáp lại, Bộ trưởng Y tế LB Nga Mikhail Murashko tuyên bố các cáo buộc đó là vô căn cứ, và đó chỉ là những thủ đoạn trong cuộc cạnh tranh sản xuất vaccine ngừa Covid-19 với nhiều ý nghĩa thương mại.
Trong một diễn biến khác, ngày 17/8, Bắc Kinh cho biết nhà chức trách Trung Quốc đã cấp bằng độc quyền sáng chế đầu tiên cho vaccine của nước này. Đây là mẫu vaccine Ad5-nCoV, được Công ty Dược phẩm CanSino phối hợp với một nhóm chuyên gia bệnh truyền nhiễm của quân đội Trung Quốc nghiên cứu, phát triển.
Tao Lina- chuyên gia về vaccine làm việc tại Thượng Hải cho rằng, bằng sáng chế này cũng có thể thúc đẩy khâu quảng bá sản phẩm. Một tấm bằng chính thức sẽ giúp củng cố niềm tin vào vaccine do Trung Quốc sản xuất trên thị trường quốc tế. Vaccine Ad5-nCoV đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 tại Trung Quốc và chuẩn bị bước vào pha 3. Giai đoạn cuối cùng này sẽ được thử nghiệm ở nhiều trung tâm nghiên cứu y học tại một số nước, trong đó có Saudi Arabia. Dự kiến sẽ có khoảng 5.000 ứng viên trên 18 tuổi được lựa chọn để thử nghiệm vaccine này.
Theo thông báo đăng trên trang web của Cục Sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc, loại vaccine này có thể được sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn trong trường hợp đại dịch bùng phát.