Nhân chuyện ký sinh
Bỗng nhiên, “ký sinh trùng” - cụm từ khoá trùng tên với bộ phim đình đám từng đoạt 4 giải Oscar đầu năm 2020 lại trở thành những từ ngữ được bàn tán trên mạng nhiều nhất trong ngày qua.
Nhưng nếu như bộ phim Ký sinh trùng của đạo diễn Bong Joon-ho đem lại danh giá cho điện ảnh Hàn Quốc thì dư luận đang bày tỏ sự bất bình với mấy chữ “ký sinh trùng” lại liên quan đến một phát ngôn được coi là “lỡ lời” của biên tập viên trên một bản tin truyền hình có lượng người xem rất cao.
Cụ thể là trong bản tin Tài chính - kinh doanh sáng 17/8 phát trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam, biên tập viên đã gọi những người bán hàng rong là "sống ký sinh trùng".
Trong phần giới thiệu phóng sự, biên tập viên Anh Quang dùng lời dẫn như sau: "Dịch Covid-19 đã khiến cho những con phố du lịch hay là chủ yếu phục vụ khách nước ngoài tại TP HCM trở nên tiêu điều. Và khi những con phố không còn sức sống, những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trùng trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?".
Phản ứng sôi sục của khán giả trên nhiều trang cá nhân là dễ hiểu, khi 3 chữ “ký sinh trùng” được so sánh với những gánh hàng rong đã mang một hàm ý miệt thị.
Bình tĩnh xem cả phóng sự thì thấy rõ ràng là một tai nạn nghề nghiệp. Bởi vì phóng sự làm không với mục đích miệt thị những gánh hàng rong mà hoàn toàn mang ý nghĩa chia sẻ đồng cảm với những người bán hàng rong trong sự tác động của đại dịch Covid-19.
Có lẽ đối với những người làm báo, tai nạn nghề nghiệp là điều không ai có thể lường trước được. Có rất nhiều khi có những thứ lỗi cực kỳ ngớ ngẩn đã xuất hiện trên mặt báo, cứ như ở trên trời rơi xuống.
Nói như thế không hàm ý thanh minh cho 3 chữ “ký sinh trùng” đã xuất hiện trong một bản tin vốn có lượng người xem rất cao. Đây là một lỗi nặng, khó thanh minh và khó được khán giả tha thứ. Hơn nữa, đã để xảy ra lỗi, dù nặng hay nhẹ, dù với bất cứ lý do gì, thì đều phải được xem xét trách nhiệm.
Trong câu chuyện về 3 chữ “ký sinh trùng”, biên tập viên được cho rằng chỉ lỡ lời nói thêm một chữ khiến câu nói vừa sai về ngữ pháp vừa lệch lạc về nghĩa. Nhưng trong trường hợp MC nói đúng, tức là nói những gánh hàng rong sống “ký sinh” trên đường phố, thì lỗi có nhẹ hơn không? Chúng tôi cho rằng nó đỡ ngớ ngẩn hơn thôi chứ cái việc ra vẻ chơi chữ bằng một hình ảnh ẩn dụ là “sống ký sinh trên đường phố” vốn đã hàm ý miệt thị rồi. Những người lao động dù là lam lũ trên đường phố cũng không phải là một thứ sống ký sinh vốn được hiểu là sống nhờ vào người khác, chỉ chờ để hưởng thụ mà không phải lao động gì.
Khi để xảy ra lỗi trên truyền thông, nhất là trên sóng truyền hình quốc gia, việc phải chịu búa rìu dư luận là đương nhiên. Bài viết này không nhân một sự cố để làm việc chỉ trích thêm đồng nghiệp. Mà qua cái lỗi này nhận ra rằng việc tuyển chọn phóng viên, biên tập viên, việc nâng cao trách nhiệm của các khâu chuẩn bị kịch bản, biên tập, duyệt chương trình… vẫn còn có những lỗ hổng “chết người”, nhất là ở một nơi khó chấp nhận được sai sót như sóng Đài truyền hình Quốc gia.
“Ký sinh trùng” là một sự cố, nhưng sẽ còn có nhiều “ký sinh trùng” khác nếu bản thân những người làm nghề không trau dồi kiến thức, tự trang bị phông văn hoá và kỹ năng nghề nghiệp. Bài học này không phải chỉ dành riêng cho các biên tập viên truyền hình.