Chống lây nhiễm trong khu cách ly tập trung: Quan trọng là ý thức hợp tác
Có một thực tế tại Đà Nẵng, không ít trường hợp có kết quả dương tính với Covid-19 sau khi được đưa vào khu cách ly tập trung. Dẫn tới nhiều ý kiến lo lắng về tình trạng lây nhiễm chéo có thể xảy ra trong những khu vực cách ly tập trung.
Theo BS Nguyễn Chí Dũng- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cách ly y tế có nhiều dạng khác nhau và một trong số đó là cách ly tập trung. Đây là hình thức dành cho nhóm đối tượng chưa có triệu chứng mắc bệnh nhưng có những yếu tố dịch tễ liên quan. Nhóm đối tượng cách ly tập trung do địa phương quản lý, có sự giám sát sức khoẻ của y tế.
Trước những lo lắng về nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, BS Dũng cho biết, theo quy định, những người được đưa vào khu cách ly tập trung với mục đích để an toàn sức khoẻ cho cộng đồng thì đương nhiên khu cách ly phải đảm bảo an toàn cho người cách ly và cho cả cộng đồng. Khi vào khu cách ly tập trung, người cách ly phải tuân thủ những quy định rất khắt khe như phải đeo khẩu trang đúng quy định, để khẩu trang vào vị trí đúng quy định, đi vệ sinh đúng quy định… Song song với đó, hệ thống quản lý của khu cách ly tập trung cũng thực hiện những quy trình để đảm bảo sự an toàn cho người trong khu cách ly.
“Lấy ví dụ, nếu khu cách ly không có nhà vệ sinh riêng, mà sử dụng nhà vệ sinh chung thì mỗi khi có người đi vệ sinh thì bộ phận khử trùng sẽ phải vào khử khuẩn thì người tiếp theo mới được đi vào”- BS Dũng cho biết.
Mặc dù vậy, nguy cơ lây nhiễm chéo vẫn luôn tồn tại, nếu không có sự hợp tác của những người cách ly.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cách ly luôn là một trong những biện pháp quyết định thành công hay không trong kiểm soát dịch. Đây không phải là biện pháp do một người nghĩ ra mà là kinh nghiệm, bài học được đúc kết qua nhiều vụ dịch trước. “Thực hiện không tốt hoặc không thực hiện đều sẽ là rào cản, làm chậm quá trình chống dịch khiến kết quả chậm hơn, đôi khi không thành công và làm lan rộng dịch bệnh trong cộng đồng, không thể khống chế được”- BS Hùng nói.
Còn theo PGS.TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, việc hợp tác trong khu cách ly là rất quan trọng. Đã vào khu cách ly rồi thì phải ở trong phòng, không túm năm tụm ba, hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tối đa việc nói chuyện với người khác. Như thế mới là cách ly đúng, mới hạn chế được việc lây nhiễm chéo virus từ người này sang người khác.