Bài học vô giá là tin vào sức mạnh nhân dân
Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2020), TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã dành cho ĐĐK cuộc trao đổi về những bài học lịch sử và những kinh nghiệm quý báu từ cuộc cách mạng “long trời lở đất ấy”.
PV:Thưa ông, thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 cho chúng ta nhiều bài học lịch sử quý giá. Theo ông, đó là những bài học gì?
TS Nguyễn Viết Chức: Lênin từng viết tác phẩm: “Thà ít mà tốt”. Câu chuyện này rất phù hợp với thời kỳ đó. Chúng ta chỉ có gần 5.000 đảng viên nhưng đó là những con người tiên phong, sẵn sàng lao vào khó khăn, gian khổ, đi đầu trong hy sinh. Như vậy đã tạo nên niềm tin lớn cho toàn dân tộc, cho toàn dân. Tất cả những đảng viên lúc bấy giờ chỉ “một lòng một dạ”, chỉ có một lý tưởng duy nhất là giải phóng đất nước. Không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, dân tộc. Chính điều đó đã quy tụ được quần chúng đi theo cách mạng. Chỉ cần 'đảng viên đi trước là làng nước theo sau'. Đảng đã rất sáng suốt khi nêu gương đi đầu, chọn đúng thời điểm thời cơ. Đó là mong mỏi của nhân dân, không sợ hy sinh gian khổ, bằng mọi giá để giải phóng đất nước. Nếu so sánh với địch về lực lượng, vũ khí thì chúng ta thua kém nhiều, song chính sức mạnh đoàn kết của toàn dân - sức mạnh như nước đã làm nên chiến thắng vang dội.
Đảng đã đánh giá được điều đó, sức mạnh của người dân là sức mạnh vô địch. Bác Hồ đã từng nói: “Đoàn kết lại thành làn sóng nhấn chìm mọi trở lực, quét sạch mọi kẻ thù xâm lược”. Bài học của Cách mạng Tháng Tám chính là tin vào sức mạnh của nhân dân - một sức mạnh vô địch. Khi đó sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trở thành sức mạnh vô địch; là sức mạnh có được từ sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng, đội ngũ đảng viên luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích cá nhân. Đoàn kết gắn bó yêu thương lẫn nhau, gắn bó máu thịt với nhân dân, hòa mình trong quần chúng mà dẫn dắt quần chúng tiến lên. Chính vì thế, Đảng đã vượt qua mọi khó khăn, dẫn dắt nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại.
Theo ông trong bối cảnh hiện nay, làm sao để khơi dậy được tinh thần đó, gắn với việc sàng lọc và lựa chọn những đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho sự nghiệp phát triển đất nước?
- Trong điều kiện ngày nay, kẻ thù của chúng ta không phải là kẻ thù xâm lược, mà lại là chính mình ở trong mỗi cá nhân ta. Đó là cuộc chiến đấu để thắng lại chính mình. Hôm qua, có thể là cán bộ tốt nhưng ngày mai đã trở thành cán bộ xấu rồi. Bởi, những “viên đạn bọc tiền” có sức mạnh rất ghê gớm, đồng tiền đâm toạc tờ giấy, làm gục ngã cả những cán bộ đã từng có nhiều công lao, đóng góp. Vì vậy trong điều kiện hiện nay, càng cần rút ra bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám trong xây dựng Đảng. Đó là mỗi một con người phải luôn luôn rèn luyện, đừng thấy mình đã có công lao, tốt trong quá khứ thì bây giờ nghiễm nhiên là tốt, không cần rèn luyện. Vì thế, cần không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân.
Chỉnh đốn Đảng phải bắt đầu từ trong nội bộ Đảng và đòi hỏi phải có quyết tâm rất lớn từ trong nội bộ, thưa ông?
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc đảng viên phải tu dưỡng và việc ban hành Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, và Ủy viên Trung ương chính là vì vậy. Tức là, càng cao càng phải nêu gương, không phải chờ người dân có ý kiến thì mới làm. Để nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh chúng ta phải sàng lọc đảng viên ngay từ khi kết nạp, rồi sàng lọc khi đã trở thành đảng viên xem phấn đấu như thế nào? Như vậy từ Bộ Chính trị trở xuống, từng đảng viên phải tu dưỡng, tiên phong và rèn luyện. Bên cạnh đó, trong nội bộ Đảng phải nêu cao đấu tranh tự phê bình và phê bình. Nếu trong nội bộ Đảng nể nang, né tránh, thậm chí bao che khuyết điểm cho nhau thì làm sao có thể kêu gọi được người dân, quần chúng vào cuộc được?
Tinh thần của Cách mạng Tháng Tám là chủ động, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng, có gươm thì dùng gậy gộc, và ai cũng phải vào cuộc. Cho nên Đảng tiên phong đi đầu, quần chúng nhân dân mới tích cực tham gia, coi việc xây dựng đất nước, xây dựng Đảng như nhiệm vụ chính yếu của mỗi bản thân mình, xây dựng Đảng, xây dựng đất nước trong thời kỳ này là nhiệm vụ để “chống tụt hậu”. Ngày xưa giải phóng dân tộc, đất nước khỏi đói nghèo thì nay giải phóng đất nước khỏi tụt hậu, coi đó là nhiệm vụ trọng yếu, trọng tâm của đất nước trong thời kỳ mới. Muốn làm được như vậy, trước tiên Đảng phải trong sạch vững mạnh, toàn dân phải đoàn kết một lòng. Muốn nhân dân tin vào Đảng thì Đảng cần làm hết sức mình để nhân dân tin tưởng. Nó đòi hỏi Đảng phải nêu gương, đấu tranh mạnh mẽ chống suy thoái từ trong nội bộ.
Thưa ông, như thế thì Đảng hay các đảng viên cũng rất cần sự lắng nghe, sự góp ý của quần chúng nhân dân, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội? Bởi việc lắng nghe sẽ làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh?
- Đảng và các đảng viên phải lắng nghe nhịp đập cuộc sống, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Có lắng nghe thì mới tu dưỡng, sửa sang con người, tránh khuyết điểm, chủ quan. Tôi biết nhiều người bản chất rất tốt, nhưng chủ quan. Đến khi lấn sâu vào không rút ra được, tay đã nhúng chàm thì cứ nhúng tiếp. Đó là điều đáng tiếc vì như thế không những đồng chí đó bị thất bại, mà còn làm cho Đảng mất đi cán bộ.
Bài học lớn của Cách mạng Tháng Tám là phải tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái. Phải có tinh thần của Cách mạng Tháng Tám là tinh thần triệt để tiến công cách mạng, không thể lùi bước thì mới làm lên chiến thắng. Đây là cuộc chiến gay go. Khó khăn nhưng nếu có tinh thần đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thì sẽ giành được thắng lợi.
Trân trọng cảm ơn ông!