Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trẻ: Thiếu lực lượng chuyên nghiệp
Lý luận, phê bình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thẩm định, đánh giá chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT). Tuy nhiên, trong những năm gần đây đội ngũ lý luận, phê bình VHNT đang có dấu hiệu chững lại, “tre đã già mà măng chưa mọc”.
Mới đây, Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương đã tổ chức Lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT, xuất bản năm 2019. Theo đó, có tổng số 93 tác phẩm, trong đó có 38 cuốn sách, 55 bài viết và chương trình phát thanh đã được các cơ quan, đơn vị gửi đề nghị Hội đồng xét tặng thưởng. Qua 4 vòng bình xét, thẩm định, Hội đồng đã chọn 15 tác phẩm trao tặng thưởng, trong đó có 4 tác phẩm xếp loại A, gồm “Văn hóa nhiếp ảnh – Một góc nhìn”, tác giả Trần Quốc Dũng (Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam); “Nghệ thuật dưới góc độ di truyền”, tác giả Vũ Hiệp (Hội Kiến trúc sư Việt Nam); “Ma thuật của truyện kể”, tác giả Cao Kim Lan (Viện Văn học); “Giấu vàng trong gió thu”, tác giả Khuất Bình Nguyên (Hội Nhà văn Việt Nam). Đồng thời, Hội đồng trao tặng thưởng cho 7 tác phẩm xếp loại B và 4 tác phẩm xếp loại C.
Theo đánh giá chung, từ thực tiễn công tác xét tặng thưởng và qua dư luận cho thấy uy tín và tác động tích cực của tặng thưởng ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của đất nước. Đặc biệt, thời gian tới, các hội VHNT ở trung ương và các địa phương; các văn nghệ sĩ và những người làm công tác lý luận, phê bình VHNT cũng như đông đảo công chúng quan tâm hơn, tham gia tích cực và góp phần làm cho tặng thưởng ngày càng có tác dụng to lớn và có ý nghĩa thiết thực hơn trong đời sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực của công tác lý luận, phê bình vào đời sống VHNT có thực tế hiện nay là tâm lý “tránh lý luận, ngại phê bình” và có một khoảng trống lớn về lực lượng kế cận. Đơn cử như ở lĩnh vực âm nhạc, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hiện nay các thành viên lý luận tham gia Hội chỉ chiếm có 8%, ít nhất so với các chuyên ngành sáng tác, biểu diễn, đào tạo. Ở đó, nguyên nhân khách quan là thiếu lực lượng các nhà lý luận chuyên nghiệp, đặc biệt là giới lý luận phê bình trẻ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Quang Long cũng cho biết: Riêng lĩnh vực xuất bản, có đến 2/3 số sách mang nội dung hời hợt, nhảm nhí, thiếu tính định hướng, thiếu tính văn học, ở tầm thấp. Vì vậy, người làm phê bình VHNT cần dùng những tác phẩm tốt để đẩy lùi những sản phẩm văn hóa độc hại, ít giá trị với công chúng.
Còn theo TSKH Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương: Những tác phẩm viết về VHNT chung chung thì rất nhiều, nhưng những tác phẩm viết về lý luận phê bình lại rất ít. Trong lý luận, phê bình thì mảng lý luận bao giờ cũng nhiều hơn mảng phê bình. Bởi thực trạng của phê bình hiện nay đang đứng trước những khó khăn về nhiều mặt. Hiện nay có không ít những tác phẩm tưởng là lý luận, phê bình nhưng đọc kỹ chỉ là bài bình luận, thậm chí là nói theo, khen khéo, phê không giám phê.
Cũng theo TSKH Phan Đình Tân, sự thiếu hụt đội ngũ phê bình VHNT trong những năm gần đây đang là điều rất đáng lo ngại. Không ít những người làm công tác phê bình đã bỏ nghề và lui vào nghiên cứu, viết lịch sử… Nguyên nhân là do không an tâm với nghề, né tránh những vấn đề gay cấn, “dĩ hòa vi quý”, ngại va chạm; cách đào tạo chưa thật sự tốt. Vì thế, đây là vấn đề mà chúng tôi đang rất trăn trở và cũng đang có kế hoạch tổ chức những buổi nói chuyện, tọa đàm để bàn về vấn đề này
Nhìn nhận về thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương cho rằng: Lý luận, phê bình VHNT hiện nay trước những đòi hỏi cấp thiết phải đổi mới để khẳng định vai trò, vị trí của mình, thúc đẩy sự phát triển của VHNT. Phê bình cần nhanh chóng khắc phục tình trạng lúng túng, thiếu tỉnh táo để có được tầm nhìn bao quát, sâu rộng trước thực tiễn sáng tạo vốn đa dạng, phong phú và có chiều hướng phức tạp như hiện nay. Trên cơ sở sự phong phú, đa dạng và cởi mở của các hệ thống lý luận mới, phê bình cần xác lập đúng đắn mục đích, chuẩn mực giá trị của VHNT để thể hiện tiếng nói, thái độ của mình.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Phê bình đang đứng trước yêu cầu thiết lập lại không khí trao đổi, đối thoại, tranh luận học thuật thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần khoa học. Để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, cần có các giải pháp đủ mạnh để phát triển lực lượng, vốn là vấn đề đầy thách thức đối với phê bình VHNT, đặc biệt là ở các ngành nghệ thuật.