[ẢNH] Kỷ vật ghi lời hiệu triệu hào hùng của Bác Hồ ngày Tổng khởi nghĩa
Nhiều kỷ vật đặc biệt của Cách mạng Tháng Tám đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945) đã mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Nhằm tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức triển lãm trưng bày với chủ đề “Ngày độc lập 2/9”. Với hơn 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn, triển lãm đã giúp công chúng phần nào sống lại không khí sục sôi của những ngày mùa thu lịch sử.
Để có thể tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công là cả một chặng đường dài gian khó của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí lãnh đạo như: Võ Nguyễn Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị... và lực lượng đông đảo các tầng lớp nhân dân đoàn kết, ý chí một lòng.
Nhiều hiện vật gắn liền với giai đoạn hoạt động cách mạng bí mật của lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp... trước Cách mạng tháng Tám được giới thiệu với công chúng. Các hiện vật bao gồm: Túi (tay nải) dùng để tiếp tế cơm cho các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Thu Sơn trong thời gian hoạt động cách mạng ở Tuyên Quang năm 1942-1945; nồi dùng nấu cơm cho các đồng chí lãnh đạo Đảng ở Cao Bằng năm 1945; bộ quần áo cố Tổng Bí thư Trường Chinh mặc cải trang để hoạt động cách mạng trong thời gian ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên những năm 1942-1945...
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Ðông Dương. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng tổ chức hội nghị mở rộng ở Ðình Bảng (Bắc Ninh) kịp thời ra chỉ thị: Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Ngay sau cuộc họp, “Mệnh lệnh khởi nghĩa” của Ủy ban Chỉ huy Lâm thời Khu Giải phóng đã được phát ra. Bên dưới bản tài liệu này có chữ ký "Văn", bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo tư liệu lịch sử, cuối tháng 7/1945, nhà thơ Huy Cận tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc. Bên cạnh vai trò một nhà thơ, nhà văn hóa, Huy Cận còn là một nhà hoạt động chính trị - xã hội với nhiều dấn ấn quan trọng. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhà thơ Huy Cận là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời (gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận) vào Huế để dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại.
Giữa tháng 8, Bác Hồ gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa. Trong bức thư, Người thiết tha kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ.
Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Những ngày Tháng 8, khắp các địa phương tích cực thành lập tổ chức cứu quốc trong các tầng lớp nhân dân, phát động phong trào quyên góp, gây quỹ để mua sắm vũ khí chuẩn bị Tổng khởi nghĩa năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám thành công và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm rung chuyển cả Đông Nam Á, châu Á, châu Phi và nhiều khu vực khác trên thế giới, tạo ra làn sóng cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Từ đây, một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc mở ra: Kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập làm chủ vận mệnh của mình. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 đã thể hiện sức mạnh của lòng dân, thể hiện bài học đại đoàn kết, là uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng từ đường lối, chủ trương đến con người.
Trong hồi ký của bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô, những ngày mới về Hà Nội, Bác rất gày, yếu. Khi chuẩn bị quần áo trang phục cho Bác, bà Hồ cẩn thận gọi người thợ quen biết với gia đình đến tận nhà may đo. Bộ quần áo của Bác được may bằng vải cốt lê của Anh, phía trên ngực và 2 vạt áo có 4 túi vuông, cổ đứng. Bộ quần áo này về sau được Bác thường xuyên mặc trong những sự kiện quan trọng.