Cà Mau: Nhộp nhịp mùa ruốc
Hàng chục năm qua người dân khu vực ven biển Cà Mau có nguồn thu nhập từ khai thác ruốc (moi), nhiều nơi đã hình thành làng nghề phổ biến tạo công ăn việc làm cho người dân vùng này.
Cà Mau là tỉnh có 3 mặt giáp biển, với địa hình nhiều cửa biển lớn nhỏ thông với vùng biển rộng là điều kiện tốt để ruốc (moi) sinh sôi và lưu trú. Từ lâu, con ruốc được xem là sản vật của vùng này. Hàng năm, mùa ruốc bắt đầu từ khoảng tháng 4 đến hết tháng 8 âm lịch các ngư dân chủ yếu đánh bắt bằng các phương tiện đánh bắt ven bờ, tàu nhỏ, te,…
Có mặt tại cửa biển xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, khi mặt trời còn chưa đứng bóng những ghe chở ruốc từ phía biển đã trở về. Trên ghe, ai cũng hớn hở, quần áo đẫm mồ hôi lẫn mùi nước biển. Theo ngư dân, mùa ruốc năm nay ruốc tươi được thương lái thu mua với giá trên 15 ngàn/ký, ruốc khô được giá khoảng 30 ngàn đến 40 ngàn 1 ký. Tranh thủ những ngày nắng ngư dân khơi ruốc trên các tuyến lộ dọc biển để bán được giá hơn.
Theo một ngư dân ở ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau phấn khởi, cho biết: “Hơn 2 tháng rồi mới có ruốc lại đó, chồng thì đi biển cào ruốc mình ở nhà phơi. Sáng giờ được mấy chục rỗ ruốc tươi đem phơi khô hết để bán cho có giá. Cái nghề này nói sướng thì sướng vì có ngày đi ngay luồng ruốc tầm cả chục triệu trong tay, nhưng cũng cực lắm phơi gió, phơi nắng suốt ngày mới có ăn.”