Mạnh lên từ biển

H.Vũ 20/08/2020 07:45

Thúc đẩy hợp tác biển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam - EU chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đó là nội dung chính của Hội thảo “Đối thoại biển-Phát triển bền vững: Chia sẻ quan điểm của Việt Nam và EU”, do Học viện Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội tổ chức, ngày 19/8.

Đại biểu tham dự hội thảo.
Đại biểu tham dự hội thảo.

Làm sao để phát triển bền vững kinh tế biển là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra. Theo ông Đinh Toàn Thắng-Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao: Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của đại dương. Việc vươn ra biển đã trở thành trào lưu chung của thế giới và là định hướng quan trọng của các quốc gia có biển, đồng thời cũng là định hướng cho quan hệ hợp tác giữa các nước trên toàn thế giới. Đi cùng với xu thế đó Việt Nam có Nghị quyết số 36 về chiến lược phát triển biển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Đây là nền tảng để phát triển kinh tế biển, quản lý biển, hải đảo của Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2030 các ngành kinh tế thuần biển đóng góp vào khoảng 10% GDP cả nước. Kinh tế của 28 tỉnh ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước.

Hợp tác để không bị chèn ép

Nhấn mạnh “Việt Nam rất coi trọng hợp tác quốc tế về biển trong triển khai chiến lược biển, là xu hướng chung của thế giới hiện nay và là nghĩa vụ trong hợp tác quốc tế”, theo ông Thắng, qua hợp tác để thúc đẩy các nỗ lực chung, đảm bảo hòa bình, ổn định an ninh cho các vùng biển trước các thách thức an ninh phi truyền thống cũng như truyền thống, vùng đảm bảo quyền tự do khai thác tài nguyên trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình không bị chèn ép. Các nước có thể thông qua dung hòa các lợi ích, đảm bảo tự do hàng hải hàng không, an toàn cho các tuyến vận tải đường biển, thương hóa không bị cản trở tại các vùng biển trên thế giới.

Từ đó, ông Thắng cho rằng hợp tác sẽ giúp các nước giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và phân định các vùng biển chồng lấn theo quy định của luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982. Nhất là hiện quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU đang phát triển mạnh mẽ sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đây là những đối tác lớn quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Các hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam - EU đang tạo những nền tảng vững chắc cho hợp tác toàn diện hiệu quả về chính trị, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển và an ninh quốc phòng giữa 2 bên, góp phần phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu đang bị chịu tác động sâu sắc của dịch Covid-19.

Đại sứ Giorgio Aliberti-Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho rằng, hợp tác giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực biển vẫn còn hạn chế, đặc biệt là hợp tác trong từng vấn đề biển cụ thể. EU là bên có nhiều kinh nghiệm trong thúc đẩy kinh tế biển bền vững thông qua thúc đẩy hợp tác biển. Do đó, việc thúc đẩy hợp tác sẽ góp phần làm rõ hơn về các chính sách biển của EU, vốn là công cụ thúc đẩy sự ổn định và giải quyết các tranh chấp trên biển ở Đông Địa Trung Hải hoặc Biển Đông.

Xây dựng văn hóa biển

Để thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển biển tại Việt Nam, theo ông Vũ Đình Hiếu-Viện Nghiên cứu biển và hải đảo Việt Nam, chúng ta cần thực hiện tốt Nghị quyết số 36 về chiến lược phát triển biển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045, mà trong đó quan tâm vào 3 khâu đột phá như: Cần hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển; phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu và tổng hợp.

Muốn vậy, ông Hiếu đề nghị, cần chú ý đến những giải pháp về quản trị biển và quản lý vùng bờ, phát triển kinh tế biển và ven biển như du lịch, dịch vụ, hàng hải, dầu khí, hải sản, khoáng sản biển, năng lượng tái tạo, nâng cao đời sống và xây dựng văn hóa biển, tập trung vào khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực về biển, ứng phó với môi trường và thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng và hợp tác quốc tế.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết, PGS.TS Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng: Chúng ta mới có 2 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, hướng đến kinh tế biển bền vững dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh. Còn EU đã có kinh nghiệm, đi trước một bước trong thực thi chiến lược và kết quả cụ thể theo hướng phát triển bền vững kinh tế biển. Do đó nếu tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - EU sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, cả kinh tế lẫn quốc phòng.

Tuy nhiên để làm được điều đó, theo ông Hồi rất cần cụ thể hóa chiến lược biển mang tính “khung” của Đảng. Có như vậy mới đạt được những mục tiêu đề ra. Nếu không lộ trình hóa được mục tiêu thì các nhà đầu tư nước ngoài không biết đầu tư vào giai đoạn nào để đạt được mục tiêu, bởi khi đầu tư họ luôn xác định đạt được mục tiêu gì.

Với kinh nghiệm từng là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và môi trường), ông Hồi cho rằng: Quy hoạch không gian biển đã được đưa vào Luật Quy hoạch. Đây là quy hoạch cấp quốc gia cho nên cần phải được cụ thể hóa để Việt Nam chuyển sang hướng quản lý mới, tư duy mới. Đó là quản lý biển dựa vào không gian chứ không chỉ là quản lý dựa vào ngành.

“Đã đi vào đột phá nhưng để đột phá được lại là do con người thực hiện. Nếu nhận thức, kiến thức không đủ hiểu, chạy theo nhu cầu là không thành công. Vì vậy phải chỉnh đốn lại nguồn nhân lực để hội nhập quốc tế. Bây giờ ngôn ngữ chỉ là công cụ để giao lưu, trong hội nhập, kiến thức mới là điều quan trọng. Phải hiểu biết cặn kẽ mới chọn lọc và đưa tiến bộ tiên tiến của họ áp dụng vào thực tế Việt Nam”, ông Hồi nói.

150 đại biểu đã tham dự sự kiện, trong đó có hơn 20 chuyên gia, học giả EU và các nước thành viên, 20 đại diện đến từ 14 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, gần 100 chuyên gia, đại biểu Việt Nam cùng nhiều phóng viên đến từ hơn 30 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước. Hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến cho phép các chuyên gia quốc tế tham dự và phát biểu tại hội thảo.

H.Vũ