Thay đổi hành vi mua sắm
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho phần lớn người tiêu dùng thay đổi hành vi chi tiêu, mua sắm. Thay vì đến trực tiếp chọn mua hàng, số lượng người dân tìm đến các kênh bán hàng trực tuyến ngày càng nhiều. Giới chuyên gia nhận định, xu hướng này có thể sẽ kéo dài và giới kinh doanh cần nắm bắt để có sự thay đổi chiến lược.
Anh Trần Thái Huy, chủ một cửa hàng bánh xèo ở phố Đội Cấn (Hà Nội) cho biết, trước đây khi chưa xuất hiện dịch Covid, cửa hàng bánh xèo của anh lúc nào cũng đông nghịt khách. Doanh thu có ngày lên cả chục triệu đồng. Thế nhưng, từ khi dịch xuất hiện, hàng thưa khách dần. Kể cả khi Hà Nội hết giãn cách, khách ăn cũng không quay trở lại nữa, chỉ có một số khách thân thiết là vẫn thường xuyên đến. Ế ẩm tưởng phải đóng cửa hàng, song anh Huy đã kịp thời quay sang bán hàng online.
“Lượng khách bắt đầu tăng dần và đến thời điểm này, khách hàng chủ yếu gọi điện, đặt hàng trực tuyến. Dịch giã không biết đến bao giờ mới kết thúc nên giờ đây kinh doanh online mới là cứu cánh của cửa hàng chúng tôi”, anh Huy cho hay.
Theo số liệu điều tra của một tổ chức xã hội về những tác động của đại dịch Covid-19, 86% người dân Việt Nam cho biết họ lo lắng về dịch tác động đến đời sống, sinh hoạt cũng như sức khỏe của mình. Phần lớn người dân Việt Nam khi được hỏi đều tỏ vẻ không mấy lạc quan với tình hình kinh tế cá nhân trong vòng 6 tháng tới. Báo cáo của tổ chức này cũng cho biết, có đến 90% người Việt cho rằng Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập gia đình, chỉ có 1/10 nói rằng gia đình họ không bị ảnh hưởng về mặt tài chính. Các hộ gia đình trong nhóm thu nhập thấp phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, 17% trong số họ phải chịu cắt giảm tài chính hơn 50%.
Ngoài ra 30% người tiêu dùng chưa nghĩ là thu nhập sẽ được cải thiện. Do đó, họ có thể chưa quay trở lại với các thói quen tiêu dùng, mua sắm như trước khi có Covid-19.
Phần lớn người tiêu dùng đều đã cắt giảm chi tiêu và hầu như chưa có ý định tham gia lại các hoạt động tại các nơi công cộng. “Kể cả khi Nhà nước công bố dịch đã kết thúc, tôi cũng sẽ vẫn hạn chế đến nơi công cộng và chủ yếu mua hàng bằng hình thức online” – bà Nguyễn Thị Minh Thu (người dân ở phố Trần Xuân Soạn, Hà Nội) chia sẻ.
Những diễn biến nói trên cho thấy, Covid-19 đã tác động rất mạnh mẽ đến hành vi mua sắm cũng như các hoạt động kinh doanh của người dân.
Nhiều DN cũng cho hay, thay vì kết nối để làm việc trực tiếp, họ đã thực hiện các kế hoạch gặp mặt khách hàng, trao đổi, và giao dịch thương mại qua kênh trực tuyến để hạn chế thấp nhất những nguy cơ có thể lây và lan truyền bệnh. Với việc thay đổi cách làm này, nhiều giao dịch, hợp đồng của các DN vẫn được ký kết. Đặc biệt là ngành bất động sản, theo chủ một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, thời gian qua, bất chấp dịch, lượng giao dịch bất động sản đã bắt đầu ấm hơn nhờ các kết nối trực tuyến.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, dịch bệnh Covid -19 đã và đang tác động khá mạnh mẽ đến hành vi, tư duy của người tiêu dùng. Qua đó, các DN có thể chủ động hướng đến những chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với xu thế mới, đáp ứng nhu cầu của người dân trong bối cảnh hiện nay.