Dự án Trung tâm giao lưu hàng hóa Đông Anh (Hà Nội): Gần 20 năm vẫn bãi đất trống

Trần Hải 20/08/2020 08:30

Gần 20 năm từ khi được phê duyệt quy hoạch nhưng “Trung tâm Giao lưu hàng hóa” theo dự kiến ở Đông Anh (TP Hà Nội) vẫn chỉ là bãi đất trống được hình thành và là bãi tập kết phế thải xây dựng.

“Trung tâm hàng hóa” sau gần 20 năm vẫn chỉ là bãi đất trống, tập kết phế thải xây dựng.

Gần 20 năm... thai nghén

Năm 2004, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Đông Anh (Cty CP TM&DV Đông Anh) trình UBND TP Hà Nội xin sử dụng 60ha đất để xây dựng “Trung tâm Giao lưu hàng hóa và Khu công viên, cây xanh, hồ điều hòa” tại Bắc cầu Thăng Long (huyện Đông Anh).

Ngày 12/6/2006 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đã ký văn bản số 96/2006/QĐ-UBND, Quyết định: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết (Tỷ lệ 1/500) Trung tâm Giao lưu hàng hóa và Khu công viên, cây xanh, hồ điều hòa (gọi tắt Trung tâm giao lưu hàng hóa - PV) tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội do Trung tâm Phát triển vùng SENA lập tháng 4/2006; với diện tích 562.642 m2 tại các xã Kim Chung, Hải Bối và Kim Nỗ của huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Mục tiêu nhằm: Cụ thể hóa Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch chi tiết huyện Đông Anh đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, đóng góp vào việc phát triển KT-XH của địa phương; Quy hoạch xây dựng Trung tâm Giao lưu hàng hóa và Khu công viên, cây xanh, hồ điều hòa với các chức năng: văn phòng giao dịch, kho bãi chứa hàng hóa phục vụ giao lưu, phân phối, buôn bán và giới thiệu sản phẩm, hàng hóa trong khu vực và quy hoạch khu công viên, cây xanh, hồ điều hòa...

Quyết định giao CVP UBND TP Hà Nội; Giám đốc các Sở: Quy hoạch – Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Xây dựng, Giao thông Công chính; Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Chủ tịch UBND các xã Kim Chung, Hải Bối, Kim Nỗ; Giám đốc Cty CP TM&DV Đông Anh; Thủ trưởng các Sở, ngành, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành.

Biến hình về đâu?

Với mục tiêu cụ thể, dự án được lập, trình, phê duyệt và được giao thực hiện, nhưng cho đến nay, sau gần 20 năm dự án vẫn chỉ là bãi đất trống. Gần đây nhất, khi TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, rà soát và chỉ đạo triển khai các giải pháp xử lý với những dự án vi phạm trên địa bàn thì dự án có động thái tái khởi động bằng hình thức san gạt, quây rào. Tuy nhiên hoạt động san gạt này lại được phản ánh dùng bằng những vật liệu được cho là phế thải xây dựng được chở đến để san gạt mặt bằng và là nơi tập kết, trung chuyển…

Cùng một vài hoạt động tại hiện trường là trên một số kênh thông tin giới thiệu về KĐT Hateco tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) “được thiết kế theo mô hình KĐT sinh thái và năng động theo tiêu chuẩn các nước phát triển trên thế giới, là dự án tổ hợp chung cư cao cấp, biệt thự liền kề shophouse kết hợp cùng công trình tiện ích hiện đại...”.

Từ đây dư luận khó hiểu và đặt nhiều nghi vấn: Đây là trung tâm giao lưu hàng hóa hay dự án KĐT của Cty Hateco? Tại sao dự án được phê duyệt đã lâu mà đến nay vẫn chưa triển khai và trở thành bãi chứa phế thải xây dựng? Cty nào chịu trách nhiệm thi công dự án?...

Theo địa chỉ của Cty CP TM&DV Đông Anh đăng ký ban đầu (tại số 57 Hàng Cót, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) chúng tôi không thấy Cty này. Còn trao đổi với PV qua Gmail, Cty Hateco cho biết: Dự án ở bên Đông Anh vẫn là dự án “Trung tâm Giao lưu hàng hóa và khu công viên cây xanh” chứ không phải là Dự án KĐT Hateco…

Thông tin về những vấn đề này, đại diện UBND xã Kim Chung cho biết: Hateco không có dự án nào trên địa bàn xã Kim Chung, tại vị trí rào chắn và san gạt đó là dự án Trung tâm Giao lưu hàng hóa đã được phê duyệt từ lâu. Việc đổ thải hay dựng rào bao quanh với những hình ảnh của Hateco xã không nắm được.

Cũng xung quanh dự án này, UBND huyện Đông Anh cho biết: Đây là dự án đầu tư ngoài ngân sách, UBND huyện Đông Anh đã có văn bản đôn đốc thực hiện. Huyện chỉ có trách nhiệm đôn đốc, thẩm quyền thuộc thành phố.

Trần Hải