Chiều xưa hoa tím
Ở nhiều nơi, người ta không gọi loài cây này là trinh nữ mà gọi bằng cái tên giản dị: cây xấu hổ.
Nhìn nắng xế trên những ven đường hoang hoải đám cây xấu hổ trổ hoa tím ngát, tôi hay nhớ đến những câu thơ trong bài “Ngậm ngùi” của Huy Cận: “Nắng chia nửa bãi, chiều rồi/ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu/ Sợi buồn con nhện giăng mau/ Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây…” Đấy là về sau này, khi đã lớn tôi mới cảm nhận được vẻ đẹp của câu thơ và ngộ ra rằng sự hoang dại cũng có sức quyến rũ mê hoặc. Ở nhiều nơi, người ta không gọi loài cây này là trinh nữ mà gọi bằng cái tên giản dị: cây xấu hổ.
Hồi bé, tôi có thể đứng hàng giờ dưới nắng chỉ để chạm khẽ vào những cái lá xem nó từ từ cụp vào, giống như là đang e thẹn vậy. Còn một thứ khiến tôi mê mẩn ở loài cây này nữa, đó là những bông hoa hình cầu màu tím phớt hồng rất đẹp. Chẳng cần ai nâng niu, tưới bón hay chăm sóc, những đóa hoa cứ nở bung khoe sắc màu đằm thắm dịu dàng và nhẫn nại dưới cái nắng héo hắt giữa cánh đồng mênh mông gió hay ven con đường ràn rạt nắng. Bất chấp mọi khắc nghiệt của thời tiết và sự dửng dưng của con người, những đóa cầu tím ấy vẫn bừng lên khiến những nẻo đường hoang vắng thêm sinh động. Nó để lại trong tôi kỷ niệm về một buổi chiều tơi bời gió, có thằng bé đã bất chấp gai nhọn cào rách vai áo và xước hết cẳng tay gầy, chui vào giữa bụi cây hái cho tôi một vạt áo đầy những bông hoa tím. Để rồi chiều ấy, khi về nhà nó phải chìa mông ra cho mẹ vụt đủ năm roi vì can tội làm rách cái áo mới may…
Tuy vậy, cũng có những lúc cây xấu hổ cũng làm được vài việc có ích cho người lớn , đó là khi nó được dùng làm hàng rào che chắn cho một vườn cây ăn quả. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy ghét bụi xấu hổ kỳ lạ. Mọi khi, nó che chở cho tôi khi đánh trận giả, còn lần này, nó “phản bội” tôi, đi che chắn cho cái “vườn cây các cụ” chín đầy những trái táo vàng ươm thơm nức. Chúng tôi hay tha thẩn bên hàng rào ấy, mắt vờ vịt ngắm nhìn, vặt hái những bông hoa tím nhưng bụng rình xem chỗ nào tay gai thưa thớt có thể “đột nhập” vào vườn quả được không. Mấy ông già trông coi vườn táo thật tinh hết chỗ nói cứ chốc chốc lại đi tuần quanh vườn, làm cho hy vọng của chúng tôi tan tành theo mây khói.
Thế rồi, cũng vào một buổi chiều đầy gió, tôi đang dỏng cổ ngắm nhìn hoa tím bên bờ rào rậm rịt thì một ông cụ râu tóc bạc phơ, đang đứng trong vườn giơ tay vẫy ra hiệu cho tôi đi vào phía cổng. Một bàn tay đầy nếp nhăn và vết đồi mồi nhưng ấm áp lạ dắt tôi đi dưới tán cây ngập tràn hương quả chín thơm lựng. Tôi chén no căng một bụng táo, còn hai vạt áo thì trĩu nặng những quả táo chín vàng được ông cụ đưa mang về cho em bé. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy buổi chiều ấy giống như trong cổ tích và ông cụ tóc trắng ấy là ông tiên hiền từ nhân hậu. Và tôi đã nhiều lần khẳng định như thế…
Tôi đã gặp những lùm cây xấu hổ trổ bông tim tím ở thật nhiều nơi, nhưng chẳng rõ vì sao chúng hay đem lại cho tôi một nỗi buồn khó tả. Có phải vì nó gợi nhớ trong tôi những tháng ngày thiếu thốn đã xa, hay vì nhìn nó, nhìn màu hoa tím ấy người ta hay nghĩ đến những miền quê nghèo “đất cằn sỏi đá”.
Trong tôi, có một miền quê nghèo nhưng thơm thảo, nồng nàn mùi hương táo chín. Ở đấy còn mãi bàn tay ấm áp đã nhăn nheo và có nhiều đốm đồi mồi vì tuổi tác, dắt tôi đi qua bờ rào xấu hổ đầy những tay gai của một loài cây hay e thẹn, vào khu vườn cổ tích…