Dỡ phong tỏa Bệnh viện E

An Thái - Đức Trân 21/08/2020 07:45

Chiều muộn ngày 20/8, Bệnh viện E (Hà Nội) đã dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa khám bệnh trở lại.

Trước đó (20h ngày 19/8) sau khi có thông tin bệnh nhân điều trị tại bệnh viện mắc Covid-19, bệnh viện đã ngừng tất cả các hoạt động khám chữa bệnh, tiến hành phun độc khử trùng toàn bộ bệnh viện. Đồng thời xác định các F1, F2. Phương án chống dịch, cách ly, chăm sóc và điều trị bệnh nhân trong trường hợp phải đóng cửa bệnh viện…cũng lập tức được lên kế hoạch.

Chiều tối ngày 20/8 (sau gần 1 ngày ngừng hoạt động) bệnh viện E đã được dỡ bỏ phong tỏa và mở cửa trở lại Ảnh: Quang Vinh.

Sau 1 lần dương tính, bệnh nhân cho 3 lần kết quả âm tính với SARS-CoV-2

Sáng 20/8, Bộ Y tế công bố ca bệnh 994 mắc Covid-19 là cụ ông 87 tuổi có đến điều trị tại Bệnh viện E, khiến bệnh viện này phải đóng cửa và triển khai công tác phòng chống dịch khẩn cấp.

Cụ thể, bệnh nhân 994 sống cùng con cháu tại xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, Tỉnh Phú Thọ. Trong vòng 1 tháng gần đây, ông không đi đâu xa ra khỏi xã Khải Xuân, gia đình cũng không có người đi đâu xa đến các khu vực có ổ dịch Covid-19 lưu hành. Ông có tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh lý nền.

Khoảng 4h ngày 11/8, ông N. có biểu hiện sốt (nhiệt độ dao động từ 38-39 độ C), kèm theo đau bụng âm ỉ liên tục ở vùng hạ sườn phải, không ho, không khó thở. Ngày 12/8, ông nhập viện điều trị tại Bệnh viện E. Ngày 18/8, bệnh nhân được Bệnh viện E lấy mẫu và gửi viện Vệ sinh dịch tễ TƯ làm xét nghiệm. Ngày 19/8, bệnh nhân có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Ngay sau khi nhận được thông tin, 20h ngày 19/8, Bệnh viện E đã thông báo dừng tiếp nhận bệnh nhân, tiến hành phun khử trùng toàn bộ bệnh viện. Đồng thời xác định các F1, F2 của bệnh nhân 994.

Tuy nhiên, ngày 20/8, sau khi được chuyển tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để cách ly và tiếp tục điều trị, bệnh nhân 994 đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Đồng thời, tất cả các trường hợp là F1, F2 của bệnh nhân này cũng đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Cụ thể, chiều 20/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin, kết quả xét nghiệm lần 1 đối với 83 trường hợp F1 của BN994 tại Bệnh viện E đều âm tính với SARS-CoV-2, trước đó 8 mẫu xét nghiệm trường hợp F1 tại Phú Thọ của bệnh nhân này cũng âm tính.

Chủ động phương án ứng phó

Trước đó, ngay sau khi nhận được thông tin, 20h00 ngày 19/8, Bệnh viện E đã thông báo dừng tiếp nhận bệnh nhân, tiến hành phu khử trùng toàn bộ bệnh viện. Đồng thời xác định các F1, F2 của bệnh nhân 994.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Bệnh viện E khẩn trương thực hiện nghiêm túc nguyên tắc quản lý, cách ly triệt để người bệnh, người tiếp xúc với ca bệnh dương tính; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ, kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây nhiễm cho cán bộ y tế, người bệnh và cộng đồng...

Ở một diễn biến có liên quan, sáng 20/8, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau khi BN 994 được chuyển tới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm PCR bệnh nhân 994 âm tính với SARS-CoV-2.

BS Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, mặc dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 tại bệnh viện này nhưng bệnh nhân vẫn có nhiều yếu tố không thể loại trừ hoàn toàn Covid-19, nên Bệnh viện vẫn tiếp tục cách ly, điều trị và tiếp tục làm lại xét nghiệm Realtime-PCR cho bệnh nhân.

Trước việc bệnh nhân 2 lần xét nghiệm cho 2 kết quả trái ngược nhau, BS Nguyễn Trung Cấp cho rằng, kết quả âm tính có thể do bệnh nhân được lấy mẫu ở vị trí không có virus. Vì thế, việc xét nghiệm cho trường hợp này cần thận trọng và chờ kết quả lần tiếp theo.

Phân tích kỹ hơn, BS Vũ Thị Thu Hương - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết: “Kết quả của xét nghiệm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là phụ thuộc vào diễn biến bệnh, tức mẫu bệnh phẩm được lấy vào giai đoạn nào của bệnh. Chẳng hạn, thời gian lấy mẫu là khi mới nhiễm virus, xét nghiệm RT-PCR vẫn cho kết quả âm tính. Thậm chí, khi lấy mẫu bệnh phẩm vào giai đoạn sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, xét nghiệm RT-PCR cũng cho âm tính…”.

Tại cuộc họp mới nhất về công tác phòng chống dịch với lãnh đạo với Sở Y tế các địa phương trong cả nước, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, mặc dù chúng ta đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid- 19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương khác, tuy nhiên tình hình dịch sẽ tiếp tục kéo dài và xuất hiện các chùm ca bệnh và ca bệnh tại cộng đồng, do đó các địa phương phải nâng mức cảnh giác ở mức cao nhất để phát hiện sớm và kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch để tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Theo ông Long: Chúng ta phải bảo vệ bằng được điểm cốt tử của bệnh viện như khoa hồi sức, khoa chạy thận nhân tạo và đội ngũ nhân viên y tế, nếu để Covid-19 vào đây thì rất nguy hiểm. Đồng thời Quyền Bộ trưởng yêu cầu: Các cơ sở y tế phải rà soát lại các kịch bản để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là bị phong toả, nhiều bệnh nhân và nhiều cán bộ y tế dương tính với SARS-CoV-2 để nâng cao ứng phó và cảnh giác thật nhanh nếu không sẽ bị luống cuống. Chúng ta chậm mấy ngày thì chu kỳ dịch đã nhân lên gấp đôi vì thế phải rà soát ngay.

Kinh nghiệm từ Bệnh viện Bạch Mai

Cho dù lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu sẵn sàng kịch bản ứng phó khi các bệnh viện bị phong tỏa, song nỗi lo về việc khám chữa bệnh cho người dân, cũng như làm thế nào để đảm bảo sức khỏe đội ngũ nhân viên y tế bị cách ly vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay. Có thể xem trường hợp của Bệnh viện Bạch Mai từng là một ổ dịch Covid-19 và đã được “giải cứu” là một kinh nghiệm.

Trước đó, ngày 20/3, Bộ Y tế công bố ca bệnh 86 và ca bệnh 87 là điều dưỡng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Tại thời điểm đó, UBND TP Hà Nội đề xuất phương án có thể đóng/phong tỏa một số khoa tại Bạch Mai. Tuy nhiên, khi đó Bộ Y tế chỉ triển khai “đóng băng” một số tầng, khoa có bệnh nhân dương tính. Cho đến ngày 28/3, sau khi có thêm 12 ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, UBND quận Đống Đa ban hành quyết định phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội theo đúng nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Những ngày đầu phong tỏa, toàn bộ đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên trong Bệnh viện Bạch Mai trực tiếp làm việc, ăn, ở trong viện. Để đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ y bác sĩ, TP Hà Nội đã đồng ý thay đổi biện pháp cách ly, cho phép đội ngũ y bác sĩ sau ca làm việc tại bệnh viện được cách ly tập trung tại một khách sạn ở quận Hà Đông. Quá trình đưa đội ngũ y bác sĩ từ Bệnh viện Bạch Mai về khách sạn cách ly tập trung do lực lượng của Bộ tư lệnh thủ đô thực hiện.

Cùng thời điểm quyết định phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai, sau rà soát, UBND các quận huyện của Hà Nội đã quyết định cách ly gần 1.600 trường hợp đã khám, chữa bệnh từ ngày 15 đến 25/3, người đã được xuất viện, đồng thời tổ chức lấy mẫu xét nghiệm với số bệnh nhân đã ra viện. Những ngày sau đó, lực lượng phản ứng nhanh tại các quận huyện của Hà Nội đã rà soát, xác minh được khoảng 25.000 người ở Hà Nội có yếu tố liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn từ ngày 10 đến 25/3. Đối với những khu dân cư quanh Bệnh viện Bạch Mai, nơi có các dịch vụ hàng quán, nhà trọ, UBND TP Hà Nội quyết định thiết lập các điểm xét nghiệm nhanh lưu động để sàng lọc, phát hiện các trường hợp nghi nhiễm Covid-19.

Đến ngày 8/4, sau 10 ngày bị phong tỏa, các số liệu tổng kết cho thấy Bệnh viện Bạch Mai đã kiểm soát tốt tình hình, diễn biến tại ổ dịch này. Đến chiều 10/4, UBND TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của UBND quận Đống Đa về việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai từ 0h ngày 12/4, sau thời gian cách ly 14 ngày.

An Thái - Đức Trân