Xây mới đình Hoàng Cầu: Đúng quy trình nhưng lãng phí
Ngày 12/8, báo Đại Đoàn kết có bài: “Trùng tu tôn tạo di tích theo kiểu… làm mới”. Sau đó, Cục Di sản văn hóa có thông tin tới cơ quan báo chí về sự việc.
Theo như văn bản của Cục Di sản thì việc tu bổ đảm bảo các thủ tục đúng quy định. Thế nhưng, đó chỉ là quy trình. Thực tế, việc xây mới hoàn toàn di tích là có thật. Và việc làm mới di tích đó là sự lãng phí.
Đình Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) là di tích Quốc gia. Đình là nơi thờ nhân vật lịch sử Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và các vị thần có công với dân với nước khác (Cao Sơn Đại vương, thần Bạch Mã, Phùng An, Bảo Hoa công chúa), đồng thời có ý nghĩa nhất định trong việc nghiên cứu vị trí, ý nghĩa của đàn Xã Tắc thời Lý – Trần – Lê ở khu vực này. Ngoài giá trị là địa điểm lịch sử, tưởng niệm nhân vật lịch sử, di tích còn lưu giữ hệ thống cổ vật có giá trị gồm 22 đạo sắc phong trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn, 3 bia đá (1 bia thời Lê, 2 bia thời Nguyễn), 1 chuông đồng niên hiệu Tự Đức thời Nguyễn.
Thời chống Pháp, đình bị phá hủy. Năm 1992, công trình Tam tòa thánh mẫu được xây mới bằng bê tông cốt thép. Đến năm 2005 một số công trình khác của đình được xây dựng như: Đại bái, phương đình, cổng đình.
Trả lời cho báo chí, ông Trần Đình Thành- Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết: Sau những thông tin phản ánh đình Hoàng Cầu bị trùng tu kiểu “đập đi xây mới”, Cục đã kiểm tra thực tế tại di tích. Ông Thành khẳng định, những thông tin về dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu được báo chí phản ánh trong mấy ngày gần đây là không chính xác. “Đình Hoàng Cầu là di tích lịch sử cấp quốc gia, không phải là di tích quốc gia đặc biệt, cũng không phải là di tích kiến trúc nghệ thuật. Các hạng mục trong hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia năm 2016 được xây dựng lại bằng gạch, xi măng đều có niên đại gần đây và không có giá trị kiến trúc nghệ thuật. Hơn nữa, các hạng mục được tôn tạo như đại đình, phương đình, nhà mẫu... được xây lại bằng bê tông cốt thép, chắp vá và bổ sung qua nhiều giai đoạn nên các hình thức kiến trúc không thống nhất, chắp vá. Những hạng mục này qua thời gian cũng đã bị xuống cấp, ngấm dột nghiêm trọng, yêu cầu cấp thiết phải tu bổ lại...”.
Về quy trình tu bổ tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu, trên trang tin của Cục Di sản văn hóa viết: “Trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố Hà Nội (Tờ trình số 29/TTr-UBND ngày 29/3/2019), từ thực trạng những năm gần đây, di tích đã xuống cấp, thấm dột nghiêm trọng, căn cứ Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn liên quan, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 1467/BVHTTDL-DSVH ngày 18/4/2019 thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu (nội dung: thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu, bao gồm các hạng mục: tu bổ cổng đình; tôn tạo Đại đình (Tiền tế, Hậu cung), Phương đình, nhà Mẫu, miếu thờ, nhà bia, bình phong, am hóa sớ, giếng đình, nhà phụ trợ (thủ từ - kho - bếp - tiếp khách - ban quản lý), nhà vệ sinh, cổng phụ, tường rào và hạ tầng kỹ thuật); Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 34/DSVH-DT ngày 22/01/2020 thỏa thuận Thiết kế bản vẽ thi công của Dự án”.
Tuy nhiên trao đổi với phóng viên, một số người dân nhiều năm gắn bó với những hoạt động của đình khẳng định ý kiến cho rằng đình Hoàng Cầu bị xuống cấp, ngấm dột nghiêm trọng là không chính xác: Hầu hết những hạng mục của đình vẫn còn chắc chắn, nhiều khách thập phương tới thăm quan còn bởi đình có kiến trúc đẹp, độc đáo. Đặc biệt là hạng mục phương đình. Đồng thời người dân cũng cho rằng việc làm mới lại đình Hoàng Cầu là lãng phí. Làm cùng một thời gian, nhưng người ta chỉ giữ lại cổng đình chứ không giữ lại phương đình.
Việc đình Hoàng Cầu còn tốt thể hiện rõ qua các bức ảnh chụp lại những hạng mục của đình vào năm 2018 trước khi đình bị phá dỡ mà người dân còn đang lưu giữ. Dường như đó là minh chứng cho thấy sự thật về kết quả thẩm định của cơ quan chức năng trước khi có quyết định trùng tu?
Ông T (một người dân giấu tên) cho biết: “Chỗ cũ lâu rồi thì nó ẩm mốc người ta có thể sửa lại nhưng cái phương đình còn mới, chắc chắn lắm, nói thật đi cả miền Bắc làm được cái mẫu đấy hơi khó. Giờ người ta phá hết tung tóe, tim của đình lệch hẳn sang phía Tây, trước là thẳng ra hướng Nam”.
Như vậy, việc đình Hoàng Cầu bị phá đi xây mới là có thật dù đúng quy trình. Thế nhưng, kết quả thẩm định trước khi có quyết định trùng tu di tích có thực sự trung thực? Phải chăng người ta đang mang danh là tu bổ di tích nhưng thực chất là xóa bỏ những công trình do cộng đồng nơi đây đóng góp xây dựng vẫn còn tốt để thay vào đó là công trình khang trang hơn?
Nếu như đình Hoàng Cầu trước khi bị phá dỡ vẫn còn đảm bảo sự chắc chắn như một số người dân phản ánh thì việc phá bỏ để dựng lên một công trình mới nhằm mục đích gì?. Nếu nhiều di tích quốc gia khác cũng bị trùng tu theo kiểu này dù thủ tục đúng quy trình thì sao? Đây có phải là biểu hiện của sự lãng phí. Cho dù một phần xây dựng lại di tích được xã hội hóa.