Vì sao bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 rồi âm tính?

Toàn Nghĩa 21/08/2020 17:18

Trước sự việc BN994 có kết quả dương tính với SARS-CoV rồi 3 lần âm tính, chuyên gia dịch tễ học nhận định, sai sót kỹ thuật là việc khó có thể xảy ra.

Các chuyên gia nhận định, đối với xét nghiệm RT-PCR, nguyên nhân sai sót nằm ở kỹ thuật lấy mẫu gần như không có khả năng xảy ra, do thông thường nhầm từ dương tính thành âm tính, rất khó nhầm lẫn âm tính thành dương tính.

PGS.TS Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định, "luôn nỗ lực để đảm bảo xét nghiệm trung thực, chính xác".

Bà Mai không cho rằng khâu lấy mẫu có sai sót, mà có thể có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm như đảm bảo bảo quản mẫu trong các điều kiện tối ưu, bảo quản ARN của virus, các khâu quá trình xét nghiệm có được đảm bảo theo yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở y tế hay không...

Như vậy, giả thuyết nào có thể đưa ra để lý giải về trường hợp dương tính rồi âm tính của bệnh nhân nói trên?

Xét nghiệm PCR không phải là một xét nghiệm để tìm thấy cả con virus sống. Đó chỉ là xét nghiệm tìm các đoạn gene đặc hiệu của virus trong mẫu bệnh phẩm. Nói cách khác, xét nghiệm dương tính chỉ có thể kết luận việc tồn tại một phần cấu trúc virus trong mẫu bệnh phẩm đó.

Bên cạnh đó, cơ thể luôn có vi sinh vật thường trú trong hầu họng. Chúng khác nhau ở mỗi người. Trong một số trường hợp, hệ gene của các vi sinh vật, vi khuẩn tương đồng với virus SARS-CoV-2.

TS Lê Văn Duyệt, Trưởng phòng Xét nghiệm Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương đưa ra giả thuyết: "Tại thời điểm lấy mẫu trong đường hô hấp của bệnh nhân, chúng ta bắt được vi khuẩn có trình tự gene giống SARS-CoV-2. Khi xét nghiệm RT-PCR, kỹ thuật viên chỉ lấy một đoạn gene rất ngắn khiến tỷ lệ trùng khớp của nCoV với các vi sinh vật khác cao hơn".

Toàn Nghĩa