Khẩn cấp ứng phó lũ lụt, sạt lở
Hoàn lưu bão số 4 gây mưa to kéo dài, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong khi đó, thông tin phía Trung Quốc xả lũ khiến mối lo ngại nước các dòng sông tại Việt Nam lên cao, có thể gây lũ lụt. Cùng lúc, cơ quan khí tượng thủy văn cho biết mưa lớn vẫn có thể tiếp tục, cho thấy việc phòng chống lũ lụt là rất cấp bách.
Ngày 20/8, Ban Ngoại vụ huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã gửi thư cho Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai thông báo về việc Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn, Trung Quốc sẽ xả lũ trên sông Hồng.
Ngoài thông báo về thời gian dự kiến xả lũ, phía Trung Quốc không thông tin gì thêm về lưu lượng, tổng lượng xả lũ. Vậy, việc phía Trung Quốc xả lũ diễn ra đúng thời điểm các tỉnh phía Bắc nước ta đang trải qua nhiều ngày mưa lớn, thậm chí đã xảy ra lũ trên sông Thao và ngập lụt ở Yên Bái sẽ ảnh hưởng ra sao?
Khi Thủy điện Mã Đổ Sơn (Trung Quốc) xả lũ
Theo ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Trung Quốc xả lũ tại hồ Mã Đổ Sơn cách biên giới Việt Nam 9 5km. Hồ Mã Đổ Sơn có tổng dung tích là 551 triệu m3.
“Trung Quốc không thông báo lưu lượng cũng như tổng lượng xả nhưng với quy mô hồ như vậy thì mức độ ảnh hưởng không lớn. Tuy nhiên Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện để các địa phương có phương án ứng phó kịp thời”- ông Hoài cho biết. Tuy nhiên, do chưa có thông tin cụ thể về lưu lượng xả lũ từ các hồ chứa trên thượng lưu sông Thao nên chưa tính được khả năng ảnh hưởng của việc xả lũ từ phía Trung Quốc tới khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.
Với giả thiết lưu lượng xả lũ từ phía Trung Quốc tăng thêm khoảng 1.000-1.500 m3/s, theo mức độ gia tăng lưu lượng tại trạm Nguyên Giang (Trung Quốc), mực nước sông Thao tại Lào Cai có khả năng lên nhanh và đạt mức báo động 2 đến trên báo động 2 khoảng 1 m. Mực nước tại Yên Bái trong vòng 36 giờ (tính từ ngày 20/8) sẽ tăng lại và đạt mức báo động 2 đến báo động 3.
Còn theo ông Bùi Quang Tuấn (Viện Quy hoạch Thủy lợi), nếu hồ Mã Đồ Sơn (Trung Quốc) xả nước thì khoảng 10 – 12 giờ sẽ về đến Trạm Thủy văn Lào Cai, lúc đó mực nước sông Thao tại Lào Cai sẽ bị ảnh hưởng.
TS Lê Viết Sơn, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ” cho rằng, nguồn nước xả tăng cường của Nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn (Trung Quốc) sẽ không tác động nhiều đến lũ trên sông Hồng, chỉ ảnh hưởng đến mực nước sông Thao.
Trong khi đó, lũ sông Hồng chịu tác động của cả 3 hệ thống sông gồm sông Đà, sông Thao và sông Gâm - Lô. Nếu chỉ sông Thao dâng nước thì sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến lũ trên sông Hồng ở vùng đồng bằng.
Tuy nhiên, một số địa phương sẽ bị ảnh hưởng bởi lũ trên sông Thao, nhất là thành phố Yên Bái và một số xã của huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) không có đê bao và một phần diện của tỉnh Phú Thọ, Lào Cai. Trường hợp lũ trên sông Thao tại Yên Bái đạt mức báo động 3, những vùng trũng tại 18 xã thuộc TP Yên Bái và huyện Trấn Yên bị ngập với tổng diện tích khoảng 1.000ha.
Khắc phục hậu quả trận mưa lũ trước, lo ứng phó với trận mưa lũ tiếp theo
Trong các ngày từ 17/8 đến 21/8, mưa lớn tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương thuộc vùng núi cao phía Bắc. Đặc biệt là tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Sơn La.
Đợt mưa này nối tiếp đợt mưa xảy ra vào các ngày 7 và 8/8, gần như “mưa chồng mưa” khiến các địa phương này gặp nhiều khó khăn do ngập úng sâu, giao thông gián đoạn do sạt lở.
Nếu như trận mưa mới này (các ngày từ 20 và 21/8) được cho là chưa gây ra những trận lũ lớn, sạt lở nghiêm trọng thì cũng không thể chủ quan vì theo cơ quan dự báo thời tiết do hoàn lưu bão số 4 đã thành áp thấp nhiệt đới khi đi sâu vào đất liền Trung Quốc sẽ gây ra những trận mưa lớn, kéo dài. Phía Trung Quốc cũng đang phải đối phó với mưa bão, lũ lụt, đặc biệt là tại đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử.
Trong tình thế đó, nhất là khi Trung Quốc xả lũ với tốc độ lớn thì sẽ không tránh khỏi tác động tới mực nước trên nhiều dòng sông ở nước ta. Trong khi, trong ngày 22/8, dự báo vùng Đông Bắc nước ta có mưa vừa, mưa to và dông (phổ biến 30-60mm/24h, có nơi trên 80mm/24h). Khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (phổ biến 50-100mm/24h, có nơi trên 120mm/24h).
Mưa lớn sẽ khiến nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình sẽ lên lại và xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1 - 3 m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng lên mức báo động 3; sông Lô, thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc bộ, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng.
Vừa phải gấp rút ứng phó với đợt mưa mới, nước các dòng sông lên nhanh thì các địa phương vùng núi phía Bắc vẫn đang phải gấp rút giải quyết hậu quả của những trận mưa lũ vừa qua.
Tại tỉnh Yên Bái, ngày 21/8, Chủ tịch UBND tỉnh này, ông Đỗ Đức Duy, đã có Công điện hỏa tốc gửi các ngành, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc chủ động ứng phó với mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất.
Theo đó, dự báo mực nước sông suối trong tỉnh sẽ tăng lên và xuất hiện đợt lũ với biên độ từ 1-3 mét. Trong đợt này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng vượt mức báo động 3. Từ đó dẫn tới nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở các huyện vùng cao, đặc biệt tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Nghĩa Lộ…và gây ngập úng cục bộ tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên và TP Yên Bái.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng trũng thấp, ven sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, chia cắt đến nơi an toàn. Cùng với đó, bố trí lực lượng canh gác tại các vị trí ngầm tràn, đường qua suối để hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn, nghiêm cấm hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn… Cấm người vớt củi, lội qua, đánh bắt cá trên sông suối khi đang có lũ.
Đặc biệt, trong những ngày mưa lũ cần tuyên truyền cho người dân không được ngủ trên đồi, trên nương để phòng sạt, lở đất đá gây thiệt hại về người.
Như vậy, việc vừa tập trung khắc phục hậu quả đợt mưa lũ trước, vừa khẩn trương ứng phó với đợt mưa lũ mới, nước các dòng sông lên cao là nhiệm vụ cấp bách với các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Lào Cai, Yên Bái.
Tại Hà Nội, đến trưa ngày 21/8, dòng chảy từ thượng lưu sông Hồng tiếp tục đổ về với lưu lượng lớn, mực nước dâng cao khiến một phần bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn; nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập. Số liệu quan trắc cho thấy đến sáng ngày 21/8, mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội đạt cao nhất là 5,98 m, dưới mức báo động 1 là 3,52 m.
Theo nhận định của cơ quan KTTV, mực nước sông Hồng hôm nay 22/8, sẽ xuống còn 5,1m (dưới báo động 1 là 4,4 m). Cũng tại Hà Nội, thân đê hữu Đáy tại xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức bị sụt, sạt thành hố sâu. Hạt Quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức, UBND xã Bột Xuyên đã xử lý sự cố bằng giải pháp thả rọ thép và bao tải đất lấp hố sụt, đắp lại phần thân đê bị sụt. K.Vy