Tự cứu mình trước đại dịch Covid-19
Từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra cho đến nay, các doanh nghiệp (DN) ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như: Chuỗi bán lẻ trong nước và giao thương quốc tế đình trệ, chi phí logistic tăng mạnh… Nhiều chuyên gia cho rằng, DN cần phải chuẩn bị các nguồn lực để tự cứu mình.
Ông Nguyễn Thành Hải, đại diện một DN chuyên trồng dưa lưới công nghệ cao ở Long An cho biết, dịch Covid-19 khiến sản phẩm của công ty đang bán ở các siêu thị đã bị ảnh hưởng khá lớn.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ông Hải cho rằng, các DN cần phải chuẩn bị các nguồn lực để tự cứu mình, bởi việc các DN trong ngành hàng nông sản đối diện với các “cơn bão” hậu Covid-19 là khó tránh khỏi khi nguồn lực của họ có hạn, còn sức mua ở thị trường nội địa chưa thể bật tăng, trong khi xuất khẩu vẫn đang gặp gián đoạn.
Cũng như ở các tỉnh miền Tây khác, có khá nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ hoạt động ở mảng nông nghiệp đang bị giảm doanh thu, hoạt động cầm chừng do gặp khó khăn trong xuất khẩu, đầu ra ở hệ thống bán lẻ trong nước cũng không suôn sẻ.
Theo đại diện một DN xuất khẩu nông sản, dù hoạt động giao thương được kết nối trở lại nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chi phí logistic tăng rất nhiều so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Đây là một trong những khó khăn lớn của DN khi hoạt động kinh doanh trở lại.
Theo một báo cáo mới đây của Bộ Công thương, đại dịch đã tác động trực tiếp lên các nhà phân phối. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).
Bên cạnh đó, xuất khẩu một số mặt hàng nông, thủy sản cũng gặp nhiều bất lợi trong 5 tháng qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điển hình như xuất khẩu thủy sản đạt 2,8 tỷ USD (giảm 10,3% so cùng kỳ năm ngoái), rau quả đạt 1,6 tỷ USD (giảm 10,3%), cao su đạt 470 triệu USD (giảm 29,6%), hạt tiêu đạt 309 triệu USD (giảm 17,9%)…
Vì vậy, tại nhiều hội nghị, cuộc họp về thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đều nhấn mạnh vai trò của lương thực, thực phẩm trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như nhu cầu về các mặt hàng này sẽ vẫn tăng trưởng bởi đây là hàng hóa thiết yếu. Chính vì vậy, các ngành hàng nông sản phải nắm lấy cơ hội trong thách thức để sớm khôi phục đà tăng trưởng xuất khẩu trên cơ sở đa dạng hóa các mặt hàng phù hợp với ý thức tiêu dùng mới của người dân mỗi quốc gia như tăng các sản phẩm đóng hộp, chế biến sâu thay vì các sản phẩm tươi, sống.
Bộ NNPTNT cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước để bảo đảm an ninh lương thực và duy trì xuất khẩu. Thường xuyên cập nhật diễn biến tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để kịp thời ứng phó…