Phân luồng sau THCS: Cần doanh nghiệp chung tay
Đến thời điểm này, nhiều tỉnh thành đã công bố điểm trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn. Trong đó, điểm chuẩn của từng trường có sự chênh lệch rõ rệt khi có địa phương, có trường chỉ 0,58 điểm/môn cũng đỗ vào lớp 10 công lập. Bài toán phân luồng sau THCS một lần nữa đặt ra trong câu chuyện này.
“Đi học là điều quý”
Đó là ý kiến của ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa khi nói về việc một số trường THPT công lập trên địa bàn có điểm chuẩn vào lớp 10 thấp. Đơn cử như một số trường thuộc vùng cao của Thanh Hóa có điểm chuẩn thấp gồm THPT Lang Chánh, THPT Thường Xuân III, THPT Lê Lai, THPT Ba Đình…
Chỉ cần đạt tổng 2,9 điểm 3 môn thi (Toán, Văn, Ngoại ngữ), trong đó, điểm Toán và Văn nhân hệ số 2 và không có môn thi nào bị điểm liệt là thí sinh đã trúng tuyển vào trường THPT Lang Chánh năm học này.
Theo ông Trần Văn Hòa, Lang Chánh là huyện miền núi, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc. Các em dự thi, thoát điểm liệt, đi học là điều quý.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh thành có địa bàn miền núi khác như Nghệ An, một số trường có điểm chuẩn khá thấp, như THPT Mường Quạ điểm chuẩn là 10,5 điểm, THPT Con Cuông là 8,6 điểm tức là chỉ gần 2 điểm/môn đã đỗ vào lớp 10.
Tại Cần Thơ, Trường THPT Giai Xuân lấy điểm chuẩn 5,3 cho 3 bài thi, trong đó Toán, Văn nhân đôi, nghĩa là 1,06 điểm/môn và không có điểm liệt sẽ đỗ vào lớp 10. Trường THCS và THPT Trường Xuân có điểm chuẩn 6,4; THPT Thạnh Thắng 7,5…
Ngoài lý đo địa bàn ở vùng sâu vùng xa, học sinh phần nhiều có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc là người dân tộc thiểu số thì những trường này cũng có số học sinh đăng ký xét tuyển thấp hơn chỉ tiêu nên hầu như học sinh thoát điểm liệt là có thể đỗ vào lớp 10.
Mặc dù vây, không thể thừa nhận điểm trung bình là 0,58 điểm/môn đỗ vào lớp 10 của Trường THPT Lang Chánh như chúng tôi đề cập ở trên là số điểm thấp với nhiều băn khoăn đặt ra. Bởi tiêu chuẩn xếp loại để được lên lớp ở bậc THCS đó là học sinh phải đạt trung bình các môn từ 5,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn từ 5,0 trở lên; không có môn học nào điểm trung bình dưới 3,5... Điểm thi 0,58 điểm/môn rõ ràng phản ánh một kết quả học tập còn nhiều câu chuyện phải bàn.
Thứ hai, với đầu vào như vậy, việc tiếp tục theo đuổi kiến thức của bậc học THPT sẽ có nhiều khó khăn và khó đạt kết quả cao trong những năm học này. Một gợi ý khác cho những học sinh này đó là mô hình 9+ mà nhiều trường đang triển khai.
Đẩy mạnh phân luồng hơn nữa
Một hiệu trưởng phân tích: Những quyền lợi khi học sinh chọn học nghề như học sinh tốt nghiệp THCS được miễn học phí toàn khóa học khi đăng ký học trung cấp; được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để học tập; được giới thiệu việc làm tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp; có ký túc xá cho học sinh, sinh viên ở xa;… được nhà trường thông tin đến phụ huynh đầy đủ.
Thậm chí, ngoài thông tin về quyền lợi khi chọn học nghề, trường cũng nêu rõ những khó khăn khi học sinh trung bình, yếu học lên THPT bởi chương trình học nặng hơn. Các em không theo kịp việc học dễ dẫn đến chán nản và có nguy cơ bỏ học cao. Trong khi đó, chọn học nghề, học sinh được thực hành là chủ yếu và rút ngắn thời gian học tập, sớm có việc làm phù hợp.
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng “mặn mà” với phương án này. Còn học sinh, có em tâm sự cảm thấy mặc cảm nếu theo học nghề trong khi các bạn bè của mình lại học trường cấp 3 công lập nên vẫn quyết định đăng ký xét tuyển vào lớp 10 ở những trường có điểm chuẩn thấp…
Vì vậy, ngoài vai trò định hướng của các trường, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, cho rằng để tạo ra động lực thu hút người vào học nghề, doanh nghiệp lẽ ra có vai trò rất lớn thì dường như đứng ngoài cuộc để mặc cho ngành giáo dục và lao động xoay xở.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân nêu quan điểm cho rằng đối với khối giáo duc nghề nghiệp, từ bậc 1 đến bậc 5 chủ yếu trang bị cho các em bên cạnh kiến thức cơ bản là kỹ năng thực hành, thái độ làm việc…
Cải thiện theo hướng gắn với doanh nghiệp và về lâu về dài là cùng với doanh nghiệp đào tạo. Yếu tố quan trọng là cơ hội việc làm và thu nhập sau đào tạo là yếu tố quyết định thu hút học sinh học nghề.
Đánh giá chung trên hệ thống là 85% học sinh tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp ra là có việc làm, thu nhập cũng từ 6-7 triệu, thậm chí cao hơn với những người có tay nghề tốt hơn. Cuối cùng là sự trọng thị của xã hội, tôn vinh đối với những người có tay nghề và kỹ năng xuất sắc.