Giật mình với học phí đại học
Trong khi thí sinh và phụ huynh đang ngóng điểm thi và điểm chuẩn của các trường đại học năm 2020 thì nhiều người giật mình với mức học phí của một số trường đại học hiện nay.
Không ít trường đại học công lập có mức học phí lên tới gần 100 triệu đồng/năm, tương đương với các trường tư. Nếu so với vài năm trước, mức học phí đã tăng gấp nhiều lần. Điều này dẫn đến nhiều hệ luỵ bởi sẽ có lượng lớn học sinh có trình độ, học lực tốt đủ điểm vào đại học nhưng không thể theo học bởi mức học phí quá lớn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường đại học công lập ở khu vực phía Nam hiện đã công bố mức học phí năm học 2020. Mức học phí này dao động từ 20 triệu đồng cho tới 88 triệu/năm, chưa kể các khoản đóng góp khác.
Cụ thể, như khoa Y của ĐH Quốc gia TP HCM có mức học phí lên tới 88 triệu đồng/năm. Cũng thuộc khối ngành sức khoẻ, mức học phí của Trường ĐH Y Dược TP HCM dao động ở khoảng từ 30-70 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, với mức đóng góp rất cao còn có Trường ĐH Luật TP HCM (49,5 triệu đồng/năm); ĐH Công nghệ thông tin (thuộc ĐH Quốc gia TP HCM) là 40 triệu đồng/năm…
Với mức đóng góp như hiện nay, các trường công lập này có học phí tương đương với trường tư. Với thời gian học khoảng 4-5 năm, cộng thêm chi phí ăn ở thì một sinh viên hoàn thành các khoá học trên phải tốn kém khoảng nửa tỷ đồng.
Đây là một khoản chi phí quá lớn với hầu hết gia đình ở nông thôn hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa đại học sẽ đóng lại với không ít học sinh, trong đó nhiều trường hợp có học lực tốt nhưng do hoàn cảnh gia đình không thể đáp ứng được mức học phí cao như trên.
Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục cho rằng, mô hình trường công lập (từ bậc mầm non cho tới đại học) bắt nguồn từ nguồn nhu cầu xây dựng nguồn nhân lực của nhà nước. Nhà nước thành lập các trường công lập và tạo ra các nguồn lợi cho nhà trường (như đất đai, trả lương, đào tạo giảng viên…) để các trường này đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội. Mặc dù mô hình tự chủ đang được áp dụng ở nhiều trường đại học nhưng những trường đại học này vẫn đang hưởng lợi trực tiếp từ những tài sản công mà nhà nước quản lý.
Do vậy, các trường phải có trách nhiệm với việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội với mức giá thấp hơn các đơn vị trường tư, khi doanh nghiệp phải bỏ tiền xây dựng toàn bộ hệ thống. Việc so sánh mức giá đào tạo của trường tư để áp dụng vào mô hình trường công lập là thiếu công bằng, khiến cho một nguồn lực lao động chất lượng cao lớn không thể phát huy chỉ vì học phí quá cao.
Mức học phí quá cao cũng vô tình tạo rào cản, phân chia giàu nghèo ngay từ lúc các trường chưa bắt đầu tuyển sinh.