Chớ làm méo mó quy hoạch Hà Nội

Từ Khôi 22/08/2020 06:56

Quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên từ những bản vẽ đẹp trên giấy đến thực tế triển khai là cả một quá trình khó khăn. Đây đó trên địa bàn thủ đô vẫn có những công trình sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng mọc lên và tồn tại dai dẳng cùng dư luận.

Tòa nhà 8B Lê Trực vẫn là tâm điểm chú ý của dư luận.

Quy hoạch cân đối thành phố hai bên sông

Theo đề án quy hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 thì thủ đô Hà Nội sẽ phát triển đều ra hai bên sông Hồng chứ không lệch về hướng Tây như hiện tại. Nếu lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm, phát triển đồng bộ các vùng để sông Hồng chảy giữa trung tâm thành phố thì phải xây dựng thêm một số cây cầu nữa.

Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã thống nhất sẽ triển khai hàng loạt các cây cầu nghìn tỷ cùng các công trình trọng điểm nối trung tâm thành phố với các cửa ngõ vệ tinh sang phía Bắc sông Hồng như: Cầu Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy 2, cầu Mễ Sở, cầu Ngọc Hồi, nút giao Cổ Linh, tuyến Metro số 8. Đó chỉ là một số công trình trong tổng số 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Trước mắt, tập thể lãnh đạo thành phố dự kiến sẽ thực hiện cây cầu Trần Hưng Đạo nối 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên. Dự kiến, cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài khoảng 5,5 km, gồm: Cầu, đường dẫn và nút giao hai đầu cầu; trong đó phần cầu vượt sông dài 2,4 km. Điểm đầu dự án tại ngã năm nút giao với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng); điểm cuối sau khi vượt qua đường Nguyễn Văn Linh (Quốc lộ 5) sẽ kết nối với đường quy hoạch tại phường Việt Hưng (quận Long Biên). Về quy mô, cầu rộng 31 m, bảo đảm 6 làn xe cơ giới và 2 dải đi bộ, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.

Tuy nhiên, để quy hoạch và xây dựng được thành phố hai bên sông Hồng, Hà Nội cần có quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Chính vì chưa có quy hoạch này nên một số công trình ở các khu vực bãi sông gặp khó khăn trong việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Trước đây, TP Hà Nội cũng đã thống nhất với Bộ NNPTNT theo hướng quy hoạch đê sông Hồng kết hợp với đường giao thông. Khi kết hợp giữa 2 chức năng này, đoạn sông Hồng qua nội thành từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy sẽ giống như đô thị hai bên bờ sông Hàn (Hàn Quốc). Theo đó, khi làm đê kết hợp đường hai bên bờ sông Hồng sẽ theo thiết kế đê - đường hai bậc.

Phương án kiến trúc cầu cần nghiên cứu phù hợp với cảnh quan, hình thức kiến trúc hai bên, bề rộng lòng sông, yêu cầu thoát lũ, thông thuyền để bảo đảm các yếu tố và kỹ thuật, mỹ thuật.

Chấp hành nghiêm quy hoạch

Đến thời điểm hiện tại, đã có sự điều chỉnh một chút về quy hoạch Hà Nội. Đó là phần quy hoạch sử dụng đất tại dự án đầu tư xây dựng vị trí đóng quân mới và Thao trường huấn luyện cho Trung đoàn Bộ binh 692 thuộc Sư đoàn Bộ binh 301 - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Địa điểm điều chỉnh quy hoạch thuộc xã Vân Côn và xã An Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Tổng diện tích trong điều chỉnh quy hoạch là 47,61 ha.

Ngoài sự điều chỉnh quy hoạch này, các quy hoạch hiện tại đang được giữ nguyên. Vấn đề lo ngại chủ yếu khiến bộ mặt đô thị trở nên méo mó, là hiện tượng xây dựng không tuân thủ quy hoạch. Đã có những công trình xây dựng không đúng quy hoạch và giấy phép xây dựng khiến công ty bị khởi tố. Nhưng cũng có những công trình gây bức xúc dư luận nhiều năm vẫn nấn ná và cắt ngọn nhỏ giọt. Điển hình là công trình nhà 8B Lê Trực.

Dự án tòa nhà 8B phố Lê Trực (nay nằm trên phố Trần Phú kéo dài), quận Ba Đình cho đến nay vẫn là tâm điểm gây chú ý vì sự nể nang của chính quyền. Một số cán bộ, công chức đã bị kỷ luật vì liên quan đến công trình. Trong những người chịu trách nhiệm chính không thể không nhắc tới ông Nguyễn Quốc Tuấn – nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. Ở thời điểm đó, mặc dù quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt năm 2011, và UBND TP Hà Nội đã có chủ trương không cấp phép xây dựng mới cho những tòa nhà cao tầng trong 4 quận trung tâm nhưng ngày 24/3/2014, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội vẫn ký quyết định số 11/GPXD-SXD cấp phép cho công trình tòa nhà 8B Lê Trực với độ cao trên 50m. Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng đã chấp thuận phương án thiết kế cho công trình này. Phải chăng đây là sự cả “nể” của cơ quan chức năng với các chủ đầu tư?

Chính vì “nể nang” lợi ích của chủ đầu tư, nên sau khi quy hoạch chung thủ đô Hà Nội được phê duyệt, một số công trình không đúng quy hoạch vẫn mọc lên và tồn tại. Một số nhà đầu tư tìm cách lách quy hoạch bằng cách xin điều chỉnh mật độ xây dựng nhiều lần. Ví như chủ đầu tư công trình xây dựng nhà B6 Giảng Võ đã hai lần xin điều chỉnh tăng tầng cho công trình.

Trên thực tế, đã có nhiều công trình bị cắt ngọn do không thực hiện đúng giấy phép xây dựng. Ví như: Tòa nhà số 4 phố Đặng Dung đã phải cắt ngọn từ 23 m xuống còn 11m. Tòa nhà 16 phố Trích Sài, bị cắt ngọn 4 tầng từ 15 tầng xuống còn 11 tầng; Tòa nhà số 9 Đào Duy Anh bị cắt ngọn 2 tầng từ 17 xuống 15 tầng; Tòa nhà 135-137 phố Bùi Thị Xuân cũng bị cắt ngọn 2 tầng từ 11 tầng xuống 9 tầng…

Cho đến nay, dự án nhà 8B Lê Trực vẫn đang dây dưa cắt ngọn. Đường giao thông bị ngăn lại một phía để bên thi công cắt ngọn đã gây ắc tắc giao thông trong giờ cao điểm.

Quy hoạch đã khó, thực hiện quy hoạch càng khó hơn. Nhưng nếu không thực hiện đúng quy hoạch, Hà Nội sẽ trở nên méo mó.

Từ Khôi