Bộ máy công bộc và tinh thần vì dân
Dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (28/8) và Đại hội thi đua yêu nước Văn phòng Chính phủ giai đoạn 2020-2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Văn phòng Chính phủ phải tiếp tục khẳng định vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chuyên nghiệp, hiện đại, vững vàng, tin cậy cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đất nước. Đồng thời là cơ quan giúp “truyền và giữ lửa” tinh thần cải cách, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Quan điểm của Thủ tướng cũng chính là mục tiêu trong xây dựng một Nhà nước liêm chính, lấy phục vụ dân là thước đo chuẩn mực chung của một nền hành chính quốc gia. Chỉ số cạnh tranh quốc gia khó có thể được cải thiện khi “lõi” của nó là thái độ phục vụ của các cán bộ, công chức, viên chức không được cải thiện.
“Đông nhưng không mạnh” là thực trạng chung của bộ máy hành chính nhà nước hiện nay. Nó đang là sức ì lớn, cản trở sự phát triển của đất nước. Dù bộ máy đã qua nhiều lần “cải cách”, song qua giám sát về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Quốc hội từng đưa ra đánh giá “thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”.
Và ở đâu đó, vẫn còn đó những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tham ô, quan liêu, cửa quyền của một bộ phận cán bộ công chức đang làm xấu đi hình ảnh quốc gia. Chính phủ liêm chính phải nằm ở việc xây dựng một bộ máy hành pháp trong sạch, minh bạch, công khai.
Những ngày qua, cả hệ thống chính trị và người dân đang gồng mình chống đại dịch Covid-19, số người nhiễm đã vượt mốc 1.000 người. Những y, bác sỹ không ngại hiểm nguy, xa gia đình để xung phong vào “tuyến đầu” chống dịch. Ấy vậy mà hình ảnh của một số cán bộ không thực hiện những quy định trong phòng chống dịch dù là những cá biệt song đang làm hình ảnh của người cán bộ công chức lấy dân phục vụ đang xa rời nhân dân.
Dù đã có Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, cũng như Chỉ thị 19, Chỉ thị 16 của Thủ tướng về chống dịch Covid-19, nhưng ông Hoàng Viết Cương, Phó Chủ tịch UBND phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vẫn cùng vợ tổ chức sinh nhật trong khu cách ly. Bản thân ông Cương có người thân thuộc diện phải lấy mẫu xét nghiệm và sau đó xác nhận là dương tính nhưng ông Cương đã không hề báo cáo với cơ quan để được tự cách ly như cơ quan y tế yêu cầu.
Hành động ấy của một cán bộ địa phương sao có thể là “tấm gương” cho người dân địa phương noi theo. Dẫu chỉ là cá biệt song đưa ra dẫn chứng trên để thấy rằng, việc xây dựng chính quyền gần dân trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính công và thái độ phục vụ nhân dân của bộ máy công bộc đang là đòi hỏi bức thiết của một Nhà nước pháp quyền, lấy dân làm gốc, trọng dân, yêu dân, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo cho sự phục vụ của mình.
Quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính của Thủ tướng cũng chính là mong đợi lớn nhất của người dân. Và chỉ có Chính phủ liêm chính mới có thể loại bỏ những tiêu cực để xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh. Nó đang đỏi hỏi tác phong và lề lối làm việc của cán bộ lãnh đạo cùng bộ máy công bộc cần phải thay đổi theo hướng dám hành động, dám chịu trách nhiệm, dám nhận khuyết điểm trước người dân.
“Những đồng tiền thuế” được người dân đóng góp để nuôi bộ máy hành chính nhà nước cần thể hiện bằng hành động. Điều đó đang đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên cần nêu cao tinh thần làm việc của lãnh đạo “nói thì đi đôi với làm” để từ đó làm gương cho cán bộ dưới quyền noi theo.
“Những ông vua con xa dân”- từng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc đến đang đòi hỏi bộ máy hành chính nhà nước từ trên xuống dưới phải quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hành tiết kiệm, gương mẫu trước nhân dân.
Mục tiêu và hoạt động của Nhà nước là nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, cho nhân dân và vì nhân dân. Hiến pháp và luật pháp cũng khẳng định, ghi nhận quyền làm chủ của người dân đối với mọi hoạt động, mọi cơ quan tổ chức nhà nước. Cho nên sự đánh giá của người dân về bộ máy công quyền, với từng cán bộ phải được xem là một trong những tiêu chí quan trọng trong bổ nhiệm, hoặc tái bổ nhiệm đối với cán bộ.
Đất nước đang đứng trước những thách thức to lớn khi hội nhập, đòi hỏi những động thái quyết liệt từ Chính phủ nhằm loại bỏ những thói quen, cách hành xử cũ dễ làm phát sinh tiêu cực. Có như vậy con đường từ lời nói đến hành động sẽ được rút ngắn. Và điều cần nhất vào lúc nào là cần loại bỏ những “ông vua con”, những cán bộ thiếu nêu gương ra khỏi bộ máy hành chính nhà nước.