Kinh tế châu Á trong làn sóng Covid thứ hai

Thế Tuấn 23/08/2020 09:00

Đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái. Châu Á cũng không phải là ngoại lệ. Thống kê của nhiều nước châu lục này cho tới thời điểm giữa tháng 8/2020 giống như một bức tranh màu xám.

Nhật Bản, nền kinh tế thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc) cũng đang phải tìm mọi cách để cầm cự. Trong khi 5 nền kinh tế dẫn đầu ASEAN cũng không khá hơn gì.

Một tấm biển cảnh báo Covid-19 trên đường phố Bangkok, Thái Lan.

Ngày 17/8, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố báo cáo sơ bộ về tình hình kinh tế nước này, theo đó trong quý II/2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã giảm tới 27,8% so với quý trước đó, chủ yếu do tác động của dịch Covid-19. Mức sụt giảm mạnh nhất trước đó là 17,8%, xảy ra vào quý I/2009 sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát do sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) vào tháng 9/2008.

Hơn cả thảm họa sóng thần

Theo giới quan sát, kể từ cuối năm 2018, nền kinh tế Nhật Bản đã bắt đầu gặp khó khăn do các tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Kinh tế bắt đầu lao dốc sau khi Chính phủ Nhật Bản nâng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào đầu tháng 10/2019. Trong quý cuối của năm 2019, GDP thực tế của Nhật Bản đã giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, giai đoạn tồi tệ nhất thực sự hiện hình từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Nhật Bản, kể từ giữa tháng 1/2020.

Trong quý I/2020, nền kinh tế Nhật Bản đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật khi GDP thực tế giảm 3,4%.

Trước đó, nhiều dự đoán cho rằng quý II/2020 là một trong những quý tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, mức sụt giảm tới 27,8% khiến nhiều người bất ngờ: Bất ngờ vì sự suy thoái nặng nề ngoài dự đoán. Nguyên nhân chủ yếu khiến GDP của Nhật Bản sụt giảm mạnh là do dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời nhu cầu bên ngoài sụt giảm mạnh, xuất khẩu khó khăn (giảm 18,5%). Việc Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp trong thời gian từ ngày 7/4 đến 25/5, đã khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước bị đình trệ, đồng thời tác động tiêu cực đối với chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP (giảm 8,2% so với trước đó).

Việc thu nhập quốc dân của Nhật Bản bị suy giảm mức kỷ lục đã cho thấy những giới hạn của chiến lược tăng trưởng kinh tế có tên gọi Abenomics, mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe đã áp dụng nhiều biện pháp cần thiết. Đáng lo ngại khi Nhật Bản đã phải chấp nhận 3 quý liên tiếp GDP giảm. Giới phân tích cho rằng cái họa do Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế Nhật Bản còn kinh hoàng hơn thảm họa động đất và sóng thần tàn phá khu vực Đông Bắc nước này, vào tháng 3/2011.

5 nền kinh tế hàng đầu ASEAN lao đao

Mới đây, 5 nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN đã công bố mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2020. Những con số cho thấy đều ở tình trạng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.

Cụ thể: Mức tăng trưởng kinh tế của 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN trong quý II lần lượt là -17,1% đối với Malaysia, -16,5% với Philippines, -13,2% với Singapore, -12,2% ở Thái Lan và -5,3% tại Indonesia.

Với Malaysia, theo chuyên gia kinh tế Sian Fenner (Công ty tư vấn tài chính Oxford Economics) rất có thể Ngân hàng Trung ương Malaysia (Negara) sẽ một lần nữa giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 1,5% trong tháng 9/2020 để cứu vãn sự tụt dốc ghê gớm của nền kinh tế.

Còn với Philippines, chuyên gia Makoto Tsuchiya tại Oxford Economics, cho biết cuộc suy thoái kinh tế trong quý II của nước này là đợt suy giảm mạnh nhất trong lịch sử, trong đó có nguyên nhân doChính phủ tiến hành phong tỏa đất nước. Tiêu dùng nội địa giảm 15,5% và đầu tư giảm 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng ông Makoto Tsuchiya cũng cho rằng việc Chính phủ tăng 22,1% chi tiêu sẽ có thể “hãm” được sự sụt giảm, để từ đó kinh tế Philippines sẽ phục hồi một cách chậm rãi.

Kinh tế Philippines bắt đầu đình trệ sau khi khu vực Luzon áp dụng các biện pháp cách ly cộng đồng tăng cường từ giữa tháng 3. Lệnh cách ly này sau đó được nới lỏng từ tháng 6. Tuy nhiên, khu vực Metro Manila và các tỉnh lân cận đã tái áp dụng biện pháp này từ 4/8 đến 18/8 do các ca lây nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng mạnh. Cùng đó, nền kinh tế Philippines còn đối diện với những thách thức khác như lượng kiều hối sụt giảm mạnh do nhiều người lao động Philippines ở nước ngoài phải trở về nước vì mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục 17,7 %...

Nhận định về kinh tế Singapore, Sung Eun Jung (chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics) cho biết, sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại vào giữa tháng 6, chi tiêu của người tiêu dùng vốn bị suy giảm đã tăng lên. Nhưng dù thế thì kinh tế Singapore cũng sẽ chỉ tăng trưởng tích cực trở lại trong quý II/2021.

Đối với Thái Lan, chuyên gia Sian Fenner nhận xét, tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm 28,3% trong quý II/2020 do hạn chế đi lại quốc tế. Xuất khẩu dịch vụ (bao gồm cả du lịch) giảm 37,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy sự phục hồi trước mắt chỉ là mơ ước, trong khi thực tế suy giảm là điều dễ nhìn thấy hơn.

Về Indonesia, vẫn theo Sung Eun Jung, Ngân hàng Indonesia vẫn dự kiến sẽ hạ lãi suất chuẩn xuống 3,75% trong quý III/2020. Điều này có nghĩa là lãi suất chuẩn có thể giảm thêm 25 điểm cơ bản từ mức hiện tại là 4%. Một viễn cảnh cũng không lấy gì làm sáng sủa.

Nhìn chung, Oxford Economics dự đoán tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2020 của Malaysia là -4,3%; Singapore -5,7%, Thái Lan -6,9%, Indonesia -2,7 còn riêng Philippines đang được điều chỉnh lại vì chưa thật rõ ràng về số liệu.

Những chỉ số chứng khoán đầy ảm đạm ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Không quốc gia nào “miễn nhiễm”

Liên hợp quốc cho rằng dịch Covid-19 đã bày ra những khó khăn ở các nước ASEAN, cho dù những quốc gia này ghi nhận hoạt động kinh tế mạnh mẽ trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Trong một công bố vào ngày cuối cùng của tháng 7/2020, LHQ kêu gọi các nước ASEAN “xanh hóa” nền kinh tế trong mỗi nước nhằm “kiến tạo một tương lai toàn diện và dẻo dai” hơn trong quá trình hồi phục nền kinh tế hậu dịch Covid-19.

Vẫn theo LHQ, các nước ASEAN đang đứng trước hai con đường để lựa chọn, trong đó một con đường có thể dẫn tới một cuộc suy thoái sâu và kéo dài do tác động tiêu cực của việc đóng cửa biên giới, cũng như sự trở lại của tình trạng phát triển không bền vững về môi trường. Còn con đường thứ hai là áp dụng các chính sách phối hợp mang tính khu vực và toàn cầu, mà điều đó cần một giải pháp mạnh mẽ, và toàn diện.

Theo báo cáo này, những thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra cần được khắc phục thông qua các chính sách đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân, khôi phục các chuỗi cung ứng và thực hiện biện pháp tài khóa hợp lý để hỗ trợ các lĩnh vực tài chính lành mạnh.

Tuy nhiên, muốn có được điều đó thật không hề dễ dàng. Nhất là khi “làn sóng Covid-19 thứ hai” đang bùng phát trở lại tại khu vực này. Rõ nhất là ở Thái Lan.

Giới chuyên gia Y tế Thái Lan cảnh báo, mặc dù nước này đã có gần 100 ngày không ghi nhận ca mắc Covid -19 trong cộng đồng, song điều này không có nghĩa là đã “miễn nhiễm”. Nhất là khi đang có hiện tượng chủ quan trong dân chúng, “thời cơ” để gây ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.

Nói chung, không quốc gia nào có thể yên tâm “miễn nhiễm” khi làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại. Và nhìn chung, trong bức tranh tổng thể nhiều màu xám của kinh tế toàn cầu, thì kinh tế châu Á trong năm 2020 này cũng được dự báo là rất khó khăn.

Trong một nhận xét, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng lần đầu tiên trong 60 năm, vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á trong năm 2020 sẽ bằng 0, vì rằng đây là ảnh hưởng “chưa từng có tiền lệ”.

Theo ông Changyong Rhee- Giám đốc phụ trách khu vực châu Á -Thái Bình Dương của IMF, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra chính sách hỗ trợ có mục tiêu với các hộ gia đình và các công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì các lệnh cấm đi lại, chính sách giãn cách xã hội và những biện pháp chống dịch khác.

“Đây là giai đoạn rất bất ổn và thách thức với nền kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á -Thái Bình Dương cũng nằm trong sự bất ổn đó”- ông Changyong Rhee nói trong cuộc họp báo trực tuyến. Tuy nhiên, IMF cũng cho rằng, bằng sự năng động vốn có châu Á có thể sẽ vượt qua suy thoái trước nhiều châu lục khác, với điều kiện làn sóng Covid thứ hai không quá dữ dội và kéo dài.

Thế Tuấn