Lần chủ động hiếm hoi
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có thư gửi các cơ quan chức năng của Hong Kong, để tìm hiểu thông tin liên quan đến nhiều loại sữa công thức nghi có chất 3-MCPD và một số phụ gia khác gây tác nhân ung thư.
Nói gì thì nói, khi cơ quan chức năng của Hong Kong chưa công bố chính thức, việc Cục An toàn thực phẩm chủ động liên lạc để nắm bắt thông tin là điều rất đáng hoan nghênh, trân trọng. Động thái trên được đưa ra sau khi báo chí tại Hong Kong đưa thông tin: Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong kiểm tra và phát hiện 15 loại sữa bột công thức, trong đó có sản phẩm của các hãng nổi tiếng có chứa 3-MCPD gây suy thận, suy giảm khả năng sinh sản; 9 mẫu có chứa chất Glycidyl Este có nguy cơ gây ung thư.
Lâu nay, có một thực tế là hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước thường rất thụ động trong việc khẩn cấp đưa ra những biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân, mỗi khi xảy ra sự cố về sản phẩm hàng hóa nước ngoài nhập vào Việt Nam. Nhiều khi, nước bạn đã chính thức cấm sản xuất, lưu hành một sản phẩm nào đó trong chính thị trường của họ, nhiều nước khác cũng đã cấm nhập khẩu sản phẩm đó, thì cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta vẫn không có bất cứ động thái gì để bảo vệ người tiêu dùng.
Và tất nhiên, để biện minh cho sự thụ động, thờ ơ, chưa làm tròn trách nhiệm của ngành mình, nhiều cơ quan đưa ra “lời khuyên” cho người dân là hãy làm “người tiêu dùng thông thái”. Nếu người tiêu dùng có thể “thông thái”, cái gì cũng biết, phân biệt được thị phi, thật giả, thì liệu có cần những bộ máy quản lý cồng kềnh “ngồi chơi xơi nước” không? Đó là nghịch lý mà lâu nay vẫn diễn ra ở không ít bộ, ngành, địa phương, nhưng rốt cuộc là chẳng ai phải chịu trách nhiệm gì khi xảy ra hậu quả.
Trở lại câu chuyện về các loại sữa công thức của Hong Kong nghi có chứa các chất 3-MCPD và một số phụ gia gây tác nhân ung thư. Có thể, chưa chắc các mẫu sữa công thức mà Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong công bố với báo chí đã gây hại cho người tiêu dùng, bởi chưa có sự kiểm định và công bố chính thức của cơ quan chức năng nước này. Cũng có thể các mẫu sữa đó thực sự gây hại, nhưng vì một lý do nào đó mà cơ quan chức năng Hong Kong chưa, hoặc không công bố. Song, việc Cục An toàn thực phẩm chủ động gửi thư cho cơ quan chức năng của Hong Kong để tìm hiểu thông tin, có thể nói là đã làm tròn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc làm của Cục An toàn thực phẩm cần phải được nêu gương để các cục, vụ, viện của các bộ, ngành, địa phương khác noi theo học tập. Có vậy người tiêu dùng mới có thể yên tâm về sức khỏe, tính mạng, chất lượng hàng hóa, không bị “tiền mất, tật mang”. Mỗi cơ quan quản lý nhà nước cần làm tròn phận sự của mình.