Mối lo đến từ con muỗi vằn Aedes
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 50.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), gia tăng ở 12 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó đã có nhiều ca tử vong.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, 12 tỉnh, thành phố gồm Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội liên tục ghi nhận số mắc sốt xuất huyết. Riêng tại Hà Nội, 6 tháng đầu năm, toàn thành phố ghi nhận 634 trường hợp mắc SXH. Bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện; 198/579 xã, phường, thị trấn; số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Nguy cơ tiềm ẩn
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), là quốc gia có khí hậu nhiệt đới, Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành của nhiều loại bệnh truyền nhiễm do virus Arbo, trong đó điển hình là bệnh truyền từ muỗi vằn Aedes như sốt xuất huyết Dengue. SXH liên tục gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá SXH là một bệnh truyền nhiễm, vấn đề y tế công cộng nan giải trên toàn cầu. Hiện bệnh lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Tại Việt Nam, bệnh SXH đã giảm trong những năm gần đây; tỷ lệ mắc, tử vong thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực.
Cục Y tế dự phòng dự báo: Dịch bệnh SXH trong thời gian tới vẫn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số trường hợp mắc. Nguyên nhân là do ở Việt Nam có tình trạng khan hiếm nước sạch, đặc biệt là vùng nông thôn khiến người dân có thói quen tích trữ nước trong lu, bể, dễ tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản. Bên cạnh đó, việc không thường xuyên vệ sinh, thay nước trong lọ hoa, bể cây cảnh cùng với điều kiện nhà ở, nhà trọ, lán trại, các công trình xây dựng, chuồng trại thiếu vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo ở các vùng ven đô cũng là yếu tố giúp muỗi truyền bệnh SXH phát triển và nguy cơ gây dịch bệnh rất lớn. Vào thời điểm hiện nay, mật độ muỗi bắt đầu gia tăng vì thời tiết miền Nam bước vào mùa mưa. Các địa phương nếu không tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh thì nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch bệnh dẫn đến bùng phát dịch rất cao.
Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Nước ta hiện lưu hành 4 tuýp virus SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên một người có thể mắc bệnh nhiều lần trong đời. Người bệnh cũng sẽ trở thành nguồn lây nếu muỗi đốt người bệnh rồi đốt sang người khỏe mạnh. Do đó, người dân không nên chủ quan với căn bệnh này.
Chủ động phòng bệnh
Chia sẻ thông tin về bệnh SXH, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, trong những ngày đầu tiên mắc SXH, biểu hiện sốt khá giống với các bệnh sốt do virus cấp tính. Người bệnh thường sốt cao liên tục, khi dùng hạ sốt có thể lui sốt nhưng lại có thể sốt tăng trở lại nhanh chóng sau 3-4 tiếng.
Bệnh này có hai biến chứng hay gặp là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Trong đó, biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó, nhiều người khoẻ mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt. Ngược lại, biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24-48 giờ.
Cả hai biến chứng này đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, biến chứng chảy máu thường dễ nhận biết và ít khi bị bỏ qua, biến chứng còn lại khó tự nhận biết, thậm chí đến giai đoạn sốc người bệnh mới tự phát hiện ra. Do đó, nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo các biến chứng trên là điều rất quan trọng.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Việc huy động cộng đồng, chính quyền các cấp vào cuộc phòng chống dịch bệnh đóng vai trò quan trọng. Nhất là dịch bệnh SXH. Đặc biệt, vụ dịch năm 2017 xảy ra tại Hà Nội là một bài học.
Đến nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine đã có nhưng chưa được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Vì vậy, việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết chủ yếu dựa vào việc loại bỏ các nguồn lây bệnh. Mặt khác, biến đổi khí hậu cùng với sự nóng lên của trái đất, hiện tượng El Nino, phương tiện giao thông hiện đại, đô thị hóa không kiểm soát, di biến động dân cư làm công tác phòng, chống SXH trở nên khó khăn hơn.
Còn theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, phòng chống SXH là bài toán nan giải của quốc tế chứ không riêng Việt Nam. Hiện nay, giải pháp chính để phòng, chống SXH là giảm véc-tơ, tức là giảm muỗi thông qua việc giảm bớt các dụng cụ chứa nước là nơi sản sinh ra bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, nâng cao nhận thức, hành động của người dân về phòng bệnh... Ông Phu cũng nêu rõ: Các nghiên cứu về vaccine phòng bệnh SXH đã được triển khai và thử nghiệm ở một số nơi. Tuy nhiên, đến nay vaccine này vẫn chưa được nhân rộng bởi tính hiệu quả của vaccine chưa thuyết phục, đồng thời giá thành chưa phù hợp.
Bộ Y tế khuyến cáo: Để tích cực phòng bệnh SXH cho bản thân, gia đình và người xung quanh, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy ... Mặt khác, người dân nên ngủ trong màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà...
Người dân cần lưu ý các triệu chứng mắc bệnh sốt xuất huyết như: Sốt cao 39-40 độ C liên tục trong 3-4 ngày; người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn; xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng; đau bụng, nôn ói... Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 kể từ khi mắc.