Nhiều bệnh nhân Covid-19 suy thận, chạy thận nhân tạo được chữa khỏi
Thông tin từ Bộ Y tế chiều ngày 23/8 cho biết, đã có nhiều bệnh nhân Covid-19 bị suy thận, đang chạy thận nhân tạo được điều trị khỏi Covid-19 và chuyển về điều trị thông thường.
4 ca chạy thận tại BV trung ương Huế cơ sở 2 được chữa khỏi Covid-19
Cụ thể, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế cơ sở 2 đã điều trị khỏi Covid-19 cho 4 bệnh nhân nặng và chuyển về Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cách ly và tiếp tục điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Đó là BN483, nữ, 37 tuổi, tiền sử: Suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 2 tháng, Lupus ban đỏ.
Vào viện trong tình trạng mêt, khó thở. Từ ngày 2/7 - 31/7, BN được điều trị tại BV Đà Nẵng. Ngày 27/7, BN có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 31/7, được chuyển đến BV trung ương Huế cơ sở 2 với chẩn đoán nhiễm Covid-19, suy thận mạn tính, thiếu máu.
Sau khi được chữa trị tại đây, BN đã có kết quả 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 các ngày 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh. Ngày 19/8, BN được chuyển về cách ly tại BV Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.
BN thứ hai (BN481), nữ, 65 tuổi, tiền sử: Thận đa nang 20 năm, tăng huyết áp hơn 10 năm, suy thận mạn 6 tháng, đã chạy thận nhân tạo 4 tháng 2 lần/tuần, suy tim. Từ ngày 15/6 - 31/7, BN được điều trị tại BV Đà Nẵng. Ngày 27/7, BN được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ngày 30/7, BN có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 31/7 được chuyển đến BV trung ương Huế cơ sở 2 với chẩn đoán nhiễm Covid-19, suy thận mạn, gan thận đa nang, thiếu máu.
Sau thời gian điều trị tại BV, bệnh nhân đã có kết quả 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 các ngày 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh. Ngày 19/8, BN được chuyển về cách ly tại BV Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.
BN thứ ba (BN476), nữ, 27 tuổi, tiền sử: Suy thận mạn, chạy thận nhân 2 năm, tăng huyết áp, thiếu máu, suy tim; chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, vào viện trong tình trạng mêt, khó thở. Ngày 30/7, BN xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 31/7, được chuyển đến BV trung ương Huế cơ sở 2 để điều trị, với chẩn đoán nhiễm Covid-19, suy thận mạn giai đoạn 5, thận nhân tạo, suy tim.
Sau thời gian điều trị tại BV đã có kết quả 8 lần âm tính với SARS-CoV-2 các ngày 4/8, 10/8, 11/8, 12/8, 13/8, 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh. Ngày 19/8, BN được chuyển về cách ly tại BV Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.
BN thứ tư (BN507), nam, 57 tuổi, tiền sử: Tăng huyết áp 1 năm; bệnh thận mạn chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần trong 2 tháng nay. Từ ngày 14/5 - 24/7, BN điều trị tại BV Đà Nẵng. Ngày 31/7, xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Ngày01/8, chuyển BV trung ương Huế cơ sở 2 với chẩn đoán Covid-19-19, suy thận mạn, thiếu máu.
Sau thời gian điều trị tại BN đã có kết quả 6 lần âm tính với SARS-CoV-2 các ngày 10/8, 12/8, 13/8, 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh. Ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển về cách ly tại BV Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.
Được biết, tại Trung tâm Y tế Hoà Vang- (TP Đà Nẵng) có 31 bệnh nhân suy thận, chạy thận nhân tạo (4 bệnh nhân đã tử vong, còn 27 bệnh nhân trong đó 7/27 bệnh nhân đã được chữa khỏi Covid-19.
Người có bệnh về gan cần lưu ý
Trong một tình huống khác, các chuyên gia Y tế cho rằng người bệnh viêm gan mạn cũng cần hết sức chú ý khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Trong thực tế, không ít bệnh nhân viêm gan B đã tỏ ra khá chủ quan. Vậy, với người bị viêm gan B có những điều gì cần phải lưu ý trong đại dịch Covid-19?
Gan đóng vai trò quan trọng, thường được ví như “nhà máy hóa học” của cơ thể. Ngoài việc chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng cần thiết, gan còn có chức năng đào thải độc tố. Khi gan bị tổn hại, cơ thể đứng trước nguy cơ bị các tác nhân gây hại tấn công.
Theo ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng làm thay đổi diễn biến tình trạng viêm gan của từng bệnh nhân và việc quản lý bệnh nhân viêm gan nói chung. Tuy tỷ lệ bệnh nền viêm gan trên các bệnh nhân Covid khá ít nhưng cũng có các báo cáo cho thấynhững bệnh nhân nặng dễ tử vong thì men gan tăng càng cao khi virus tấn công trực tiếp vào gan.
BS Thái lưu ý, trong dịch Covid-19, nhiều người ngại tới bệnh viện, sợ đến bác sĩ, nên dùng đơn thuốc bác sĩ kê và dùng liên tục mà không đi kiểm tra lại. Điều này là rất nguy hiểm.