Người lao động cần thêm gói cứu trợ
Dự báo dịch Covid-19 còn tiếp diễn và sẽ ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của người lao động, nhất là những lao động tự do. Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, PGS.TS Vũ Quang Thọ, chuyên gia kinh tế lao động, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay rất cần thêm gói hỗ trợ để giúp đỡ người lao động, nhất là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
PV: Ông có nghĩ, sắp tới chúng ta cần thêm gói hỗ trợ nữa để hỗ trợ cho người lao động, đặc biệt là lao động có hoàn cảnh khó khăn?
PGS.TS Vũ Quang Thọ: Chúng ta đã có gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây chính là “phao cứu sinh” thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với người dân.
Trong thời điểm hiện nay khi dịch đã quay trở lại và còn tiếp diễn, nếu được thêm gói hỗ trợ nữa thì sẽ giúp người lao động, nhất là những lao động có hoàn cảnh khó khăn đỡ được phần nào.
Tuy nhiên hiện ngân sách cũng đang khó khăn vì thế cần ưu tiên hơn đối với những lao động tự do, tức là những lao động phi kết cấu, hay lao động không có hợp đồng lao động.
Cá nhân tôi cho rằng, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội để giúp đỡ nhóm đối tượng này. Những người lao động phi kết cấu đang rất cần sự giúp đỡ để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trên thế giới dịch vẫn diễn biến phức tạp, tiêu dùng sẽ ít đi. Như vậy các nhà máy cũng sẽ giảm sản xuất, đồng nghĩa với việc giảm số lao động, thưa ông?
- Dịch cứ diễn biến như thế này, theo dự báo của tôi những đối tượng lao động như: Xe ôm, bán hàng rong, cửu vạn sẽ chịu ảnh hưởng với mức độ nặng hơn. Còn đối với người lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất, nhà máy thì họ cần phải có việc làm, có mức thu nhập đủ để bảo đảm cuộc sống. Trong thời điểm này có thể không đòi hỏi lương cao nhưng nhất thiết phải có việc làm.Bởi có việc làm người lao động mới có tiền lương và thu nhập, đảm bảo cuộc sống.
Như vậy người lao động và chủ doanh nghiệp có thể thương thảo về mức lương để phù hợp với tình hình sản xuất và tình hình tài chính hiện nay, thưa ông?
- Tổ chức công đoàn phải có trách nhiệm với những người có hợp đồng lao động để họ có thể giữ được việc làm. Có việc làm không chỉ tạo ra sản phẩm nuôi sống họ, mà tạo ra sản phẩm còn đóng góp cho xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Đúng là trong thời điểm này, người lao động khó có thể đòi hỏi mức lương cao. Chủ sử dụng lao động và người lao động có thể thương lượng với nhau về mức lương, song cũng không được để ở mức kém quá, phải khả dĩ để họ có thể sống được.
Ví dụ lương 100 nghìn đồng/ngày là họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn rồi. Không thể ở mức như vậy được. Tôi cho rằng nên ở mức như hiện nay mà Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đang đàm phán. Mức lương như vậy thì công nhân lao động mới có thể tạm thời sống được.
Thực tế khi sản xuất thu hẹp lại sẽ có ít việc làm, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Nhưng thực tế cũng có một số doanh nghiệp lợi dụng chuyện này tạo thành sức ép đối với người lao động để giảm lương. Cho nên chúng ta cũng cần thận trọng trong việc này, bởi làm mà không lương, hay lương thấp thì người lao động sẽ sống ra sao? Nó còn là bài toán an sinh xã hội nữa.
Một vấn đề có thể giúp cho người lao động có việc làm đó là xuất khẩu lao động. Vậy trong lúc này theo ông có thể đẩy mạnh xuất khẩu lao động được không?
- Nếu xuất khẩu lao động được là quá tốt nhưng tôi cho rằng tại thời điểm này là khó. Bởi phần lớn hiện nay do ảnh hưởng của dịch, tại các nước khác trên thế giới việc làm cũng rất khó khăn, họ cũng không có việc làm, đối mặt với nạn thất nghiệp gia tăng. Chưa kể, muốn xuất khẩu thì lao động phải có trình độ nhất định, am hiểu luật pháp, trải qua quá trình đào tạo bồi dưỡng trong một thời gian chứ không phải dễ dàng đủ điều kiện để xuất khẩu được ngay.
Vậy, theo ông trong bối cảnh dịch còn tiếp tục diễn biến vậy chúng ta cần có những chính sách bổ sung như thế nào để giúp đỡ người lao động?
- Rất cần. Nếu dịch còn kéo dài, những công việc nào mà người lao động có thể làm được thì tạo điều kiện cho họ có việc làm. Khẩu hiệu việc làm đang là số một, là lớn nhất, chứ không phải khẩu hiệu tiền lương hay tăng thu nhập. Trong phòng chống dịch, thay vì giãn cách toàn xã hội thì cần khoanh vùng dịch, tạo điều kiện cho các nơi khác sản xuất kinh doanh.
Vừa chống dịch, vừa sản xuất để phát triển kinh tế là mục tiêu quan trọng hàng đầu hiện nay mà Chính phủ đặt ra. Có việc làm người lao động mới đảm bảo cuộc sống và đóng góp cho xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!