Đấu thầu xe buýt vẫn gặp khó

Đoàn Xá 24/08/2020 08:30

Do hệ thống xe buýt có trợ giá đang hoạt động thiếu hiệu quả, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT TP HCM) là đơn vị quản lý các hoạt động xe buýt cho biết sẽ tổ chức đấu thầu để khai thác các tuyến xe buýt.

Theo Trung tâm này, các tiêu chí cơ bản để doanh nghiệp có thể trúng thầu, nhận được tiền trợ giá là chất lượng xe, thời gian hoạt động (đúng giờ) và mức độ an toàn. Trước mắt, Trung tâm sẽ cho đấu thầu 4 tuyến trong tổng số 45 tuyến xe buýt được phép đấu thầu. Các doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động trong lĩnh vực xe buýt sẽ gửi hồ sơ tới cơ quan quản lý cũng như mức giá để tham gia. Thời gian trúng thầu cho các tuyến hoạt động là 5 năm.

Xe buýt hoạt động trợ giá tại TP HCM.
Xe buýt hoạt động trợ giá tại TP HCM.

Theo một doanh nghiệp vận tải, về cơ bản việc đấu thấu hoạt động các tuyến xe buýt cũng tương tự như cơ chế trợ giá hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và trung tâm quản lý hiện có. Cái khác duy nhất là thời gian trúng thầu là 5 năm, thay vì ký hợp đồng 1 năm/lần như hiện nay. Việc thời gian dài sẽ giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư hơn.

Tuy nhiên, về cơ bản thì việc đấu thầu sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn so với hiện tại, nhất là các tiêu chí mà Trung tâm đưa ra. “Thực tế, để doanh nghiệp đầu tư xe buýt, nhiên liệu, nhân công… và hoạt động trên tuyến đường có sẵn như hiện nay, chi phí rất lớn. Với lượng hành khách và giá hiện hữu, doanh nghiệp chắc chắn không đủ chi phí và thành phố buộc phải bỏ thêm tiền duy trì, giúp doanh nghiệp có thể hoạt động được.

Việc đấu thầu hay ký hợp đồng như hiện nay chỉ là cách để doanh nghiệp nhận tiền trợ giá. Vì bản chất không thay đổi nhưng nếu Trung tâm bắt buộc doanh nghiệp hoạt động đáp ứng đủ 3 tiêu chí (thời gian, chất lượng, an toàn) thì mới nhận đủ tiền, bằng không sẽ nhận ít đi khiến doanh nghiệp gặp khó. Bởi tiêu chí thời gian hoạt động gần như không phụ thuộc vào năng lực doanh nghiệp mà chủ yếu do hạ tầng đô thị ở TP HCM.

Các tuyến xe buýt chạy giờ cao điểm, đi qua nhiều khu dân cư đông đúc, dừng/đỗ nhiều bến thường dễ gây tình trạng kẹt xe. Vì thế, việc đúng giờ là tiêu chí rất khó để đảm bảo. Trong khi đó, tiêu chí chất lượng, an toàn thì doanh nghiệp có thể cải thiện”, đại diện một doanh nghiệp nêu ý kiến.

Ngoài các tiêu chí, đại diện doanh nghiệp xe buýt còn cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư xe buýt đều không có lãi, thậm chí là thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ chuyến, bỏ tuyến vì tiền thu (gồm tiền bán vé và tiền trợ giá) không đủ chi nhiên liệu, nhân công, tiền mua xe, bến bãi… Vì thế, việc thành phố thay đổi cách thức sẽ khiến doanh nghiệp đầu tư gặp áp lực.

Mục tiêu vực dậy sản lượng vận tải xe buýt, thu hút người dân sử dụng dịch vụ này trên địa bàn TP HCM hiện nay là không hề dễ dàng. Dù ngân sách đã chi rất nhiều tiền của và đơn vị quản lý cũng đã có một số chính sách thay đổi nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Đoàn Xá