Bài toán khó mang tên 'cải tạo' của Chợ Hà Nội

Nhật Mai 20/08/2020 08:00

Hà Nội từ xưa đã được xem như một “siêu chợ” được hình thành từ mạng lưới dày đặc các chợ phụ cận. Ngày nay, trước sự phát triển mỗi ngày của nền kinh tế thị trường, chợ truyền thống Hà Nội cũng đã liên tục chuyển mình khiến những dấu ấn đẹp của Thăng Long - Kẻ Chợ một thời đang dần mất đi.

Chợ là một phần dấu ấn văn hóa ở Hà Nội

Hà Nội xưa từng được các học gia Phương Tây xem như là một “siêu chợ” của thế kỷ XVII-XVIII, bởi mạng lưới chợ dày đặc và những phiên chợ diễn ra thường xuyên. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú ghi: “Thăng Long thế kỷ XVIII có 8 chợ lớn như chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Đình Ngang, chợ Huyện, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử và chợ Ong Nước.”

Thời Pháp thuộc, với sự hoạt động mạnh mẽ của các loại hình giao thông, đặc biệt là đường sắt, nền thương nghiệp, trong đó có nội thương, phát triển đáng kể. Nói đến việc buôn bán trong nước, trước hết phải nói đến chợ. Một hệ thống chợ đã hình thành và phát huy tác dụng trong địa hạt kinh tế, từ chợ quê – chợ huyện – chợ tỉnh – chợ lớn. Cũng như chợ lớn Bến thành ở Sài Gòn, chợ lớn Đông Ba ở huế, chợ Đồng Xuân ở Hà Nội đóng vai trò trung tâm buôn bán của một vùng rộng lớn, không chỉ của Bắc Kỳ, mà cả Bắc Đông Dương và vùng Hoa Nam, Trung Quốc. Hệ thống chợ đã góp phần giao lưu hàng hóa trên cả nước, thống nhất thị trường và trên tất cả là tạo ra chất keo cố kết cộng đồng dân tộc Việt Nam thành một khối vững chắc mà không một thế lực ngoại bang nào có thể phá nổi. Cùng với chợ Đồng Xuân, nhiều chợ khác ở Hà Nội cũng được quy hoạch và xây cất khang trang. Có thể nói chính quyền Pháp đã có công biến các chợ truyền thống thành chợ có quy củ, văn minh. Chợ là một phần dấu ấn văn hóa Pháp ở Hà Nội.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chợ Hà Nội vẫn sinh sôi mạnh mẽ, hình thành nên văn hóa giao thương nức tiếng của chốn Kinh kỳ. Vị thế của chợ Hà Nội trong lịch sử, những nét văn minh, độc đáo của chợ đã khiến chợ trở thành một phần dấu ấn văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

Thói quen mua sắm của người dân Hà Nội

Cuộc sống ngày càng hiện đại, phát triển thì ngày càng nhiều người có xu hướng chọn mua đồ dùng, thực phẩm ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hơn là mua ở chợ truyền thống bởi sự tiện lợi trong quá trình mua và sự đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Người đi siêu thị cũng đủ mọi lứa tuổi nhưng phần lớn là người trẻ tuổi.

Bạn Khánh Linh (sinh viên, sống tại Đống Đa) chia sẻ: “Mình thường đi siêu thị Lotte hoặc Big C vào sáng chủ nhật để mua đồ ăn và các đồ dùng thiết yếu cho cả tuần vì đồ bán trong đó sạch sẽ, đảm bảo chất lượng và xuất xứ. Mình không tin tưởng về chất lượng và nguồn gốc của thực phẩm tươi sống bày bán ở chợ nên không dám mua. Ngoài ra, đi siêu thị cũng giúp mình cảm thấy thư giãn đầu óc hơn, mình cứ đi một vòng nhặt đồ rồi ra tính tiền là xong.”

Với một nhân viên văn phòng như bạn Thúy (quận Thanh Xuân) thì đi siêu thị cũng là hoạt động thường nhật: “Mình thường tan làm muộn, khi đó chợ cũng sắp tan, hết đồ hoặc đồ không còn được tươi ngon nữa nên mình thường vào siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi mua đồ luôn cho tiện. Dù đã 6-7h tối nhưng ở siêu thị vẫn luôn bày bán sẵn thực phẩm tươi ngon và được đóng gói sạch sẽ, tính tiền sẵn, chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.”

Phần đông những người mua hàng ở chợ là những người lớn tuổi. Họ đi chợ như một thói quen suốt nhiều năm để mua được thực phẩm tươi sống với giá rẻ nhưng cũng luôn mang trong lòng những nỗi lo về vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm.

Cô Loan (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Cô đi siêu thị với gia đình chỉ để giải trí cuối tuần thôi, chứ đi siêu thị để mua đồ nấu nướng hàng ngày thì cô không quen mà thực phẩm tại siêu thị không tươi và giá lại đắt.”

“Đi chợ ai chẳng lo mua phải thực phẩm bị bẩn, ôi nên cô thường đi từ sáng sớm để chọn, chú ý quan sát và dùng tay để kiểm tra thịt quả nữa. Người bán cũng quen mặt cô rồi nên không dám lừa bán thực phẩm kém chất lượng cho cô đâu. Nhiều khi mua hàng rồi nấn ná trò chuyện cũng như một thú vui.”, cô Thu Hà (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ khi vừa đi phiên chợ sáng về.

Người mua hàng tại chợ truyền thống

Chợ truyền thống Hà Nội hiện nay

Chức năng quan trọng nhất của chợ ở Hà Nội nói riêng và các vùng miền khác nói chung là mua bán. Tuy nhiên không chỉ có vậy, mỗi phiên chợ ở Hà Nội xưa như ngày hội. Ngày nay, nhiều giá trị xưa của chợ không còn, siêu thị, các cửa hàng nhan nhản ở phố và cả trong ngõ, trong hẻm nhưng chợ truyền thống vẫn tồn tại.

Những người thu nhập trung bình và thấp thường chọn chợ truyền thống vì giá cả rẻ, dễ mặc cả, không tốn tiền và thời gian đi gửi xe. Ngoài ra một số mặt hàng siêu thị không có và chỉ chợ truyền thống mới đáp ứng được như vài cân bún, vài bìa đậu phụ, đồ cúng lễ, đồ hàng mã hay nhiều thứ lặt vặt khác.

Ai cũng biết chợ truyền thống còn nhiều bất cập như gian hàng bày biện không khoa học, thiếu thẩm mỹ, hàng lối xộc xệch, nguy cơ cháy cao rồi hàng giả hàng nhái chen vào, rau quả thực phẩm cũng không dám chắc có an toàn không. Bên cạnh đó những chợ họp trên một số tuyến phố, tự phát trong những con ngõ nhỏ đã gây ra ùn tắc giao thông làm thành phố nhem nhuốc, thiếu văn minh nhưng giải quyết không dễ vì những người bán hàng ở đây đại bộ phận là dân nghèo, xóa bỏ sẽ ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của họ. Có lẽ đành phải chờ đợi thu nhập của người dân tăng lên…

Những hạn chế của chợ truyền thống đã được chỉ ra như: Thiếu văn minh trong ứng xử, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, gian hàng bày biện thiếu thẩm mỹ, hàng lối xộc xệch, còn tình trạng mất an ninh, an toàn cháy nổ; nạn bảo kê ở chợ đầu mối... Để tiếp tục phát triển xứng tầm với sự đi lên của thành phố, chợ truyền thống cần phải thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn nhưng vẫn phải giữ gìn được nét đẹp truyền thống tốt hơn.

Một số gian hàng tại chợ Thành Công B

Bài toán khó mang tên “cải tạo”

Với mong muốn khắc phục những nhược điểm của chợ truyền thống, bảo vệ giá trị của chợ, Hà Nội đã tiến hành cải tạo lại nhiều chợ lớn trên địa bàn thành phố thành trung tâm thương mại. Chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da hay chợ Ô Chợ Dừa bị phá bỏ để xây trung tâm thương mại (TTTM) và dù bên trong vẫn duy trì chợ kiểu truyền thống nhưng khách lưa thưa.

Sau gần 10 năm tiến hành cải tạo chợ, kết quả đâu chưa thấy nhưng các giá trị văn hóa của chợ truyền thống đang mất dần đi và chợ cải tạo thì đang trong tình trạng chết dần. Năm 2020, dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch Covid-19, tình hình chợ cải tạo càng trở nên đáng buồn hơn.

TTTM Chợ Mơ dành tầng bán hầm để duy trì chợ truyền thống, các gian hàng được quy hoạch có hàng lối, sạch sẽ nhưng vẫn rất ế ẩm.

Bà Hòa bán chè đã được hơn 40 năm tại chợ Bạch Mai cũ (nay là TTTM Chợ Mơ) chia sẻ: “Chợ quy hoạch, nâng cấp lại sạch sẽ, khang trang hơn nhưng sau khi quy hoạch, chợ không còn trên mặt đất mà ở dưới tầng hầm, khách đến chợ không được đi xe đến tận nơi cần đến mà phải gửi xe mới xuống được, điều này khá bất tiện và còn tốn tiền. Trước đây, bà bán được hơn 100 cốc chè mỗi ngày, bán đến 7 rưỡi tối vẫn còn khách. Giờ thì hôm nào đông khách mới được 50 cốc, tầm 5h là bà về rồi. Tiền lãi từ quán chè cũng chỉ đủ cho bà nuôi sống bản thân và duy trì quầy hàng thôi. Nhiều người đã phải bỏ chợ chuyển ra ngoài bán vì ế khách quá.”

Tiểu thương than ế ẩm và vắng khách là cảnh tượng chung tại TTTM Chợ Mơ. Điểm sáng duy nhất là khu bán đồ ăn uống khá tấp nập vào giờ ăn trưa.

Đến với TTTM Hàng Da, dù chợ được lắp đặt hệ thống máy điều hòa nhiệt độ giúp chợ luôn mát mẻ thì cảnh tượng ế ẩm vẫn diễn ra.

Cô Vân – chủ một quán phở đã hoạt động hơn 30 năm tại đây cho hay: “Sau khi chợ được cải tạo cô bán được ít lắm, có ngày tiền lãi còn không đủ trả cho nhân viên, mà quán chỉ có mỗi 1 nhân viên phục vụ. Cô bán cả ngày không bằng bán nửa buổi ngày trước. Dù đã tăng giá nhưng vẫn không thu được lời lãi nhiều như trước, tiễn lãi chỉ đủ ăn thôi. Tuy trước đây chỗ bán hàng, nấu nướng của cô hơi xập xệ, ẩm thấp nhưng bán đắt hàng lắm, mỗi ngày bán được hàng trăm tô. Mấy quán cơm bên cạnh cũng chung cảnh ngộ, trước đây nấu cả mấy chục cân gạo bán cũng hết, giờ nấu có mấy cân một ngày mà có khi còn ế.”

Đáng buồn nhất chắc phải kể đến TTTM Trương Định. Vào khoảng hơn 9 giờ sáng nhưng khu vực chợ chỉ có khoảng 20 kiot đang mở, nhiều tiểu thương vừa mới đến mở quán vì hầu như chợ không có khách đến.

Chị Hoa buồn bã kể: “Chị bán quần áo được hơn chục năm ở đây rồi, trước đây mỗi ngày chị bán được khoảng 20 bộ. Sau khi chợ cải tạo, khách đến chợ vắng hẳn đi, mỗi ngày chị chỉ bán được 1 - 2 bộ, có ngày còn chẳng bán được bộ nào.”

Cô Liên bán túi xách rưng rưng như sắp khóc: “Cô ra mở hàng vì tiếc tiền mua kiot chứ có bán được hàng đâu. Hiện cô sống bằng tiền tiết kiệm gửi ngân hàng chứ tiền bán hàng bao được rất ít. Cô bế tắc lắm nhưng giờ không biết phải làm sao, giờ bỏ thì coi như mất trắng tiền mua kiot. Nhiều người đã đăng bán kiot giá rẻ nhưng cũng chẳng ai ngó ngàng đến. Hàng không bán được nhưng tiền thuê mỗi tháng vẫn phải đóng, không đóng là ban quản lý chợ thu hồi ngay.”

Hàng loạt kiot đóng cửa tại TTTM Trương Định

“Chợ cải tạo xong đúng là sạch sẽ và hiện đại hơn nhưng phải xuống hầm và gửi xe bên trên rất bất tiện nên cô không muốn vào.”, cô Hạnh sống tại ngõ 521 Trương Định chia sẻ.

Vậy tại sao chợ cải tạo khang trang, sạch sẽ, có lề lối hơn và vẫn bày bán các mặt hàng như chợ truyền thống nhưng lại vắng khách? Nếu so sánh về quy mô, chất lượng hàng hóa, tính giải trí thì chợ cải tạo thua xa siêu thị nên dù có phải đi vào hầm sâu và trả phí gửi xe thì siêu thị vẫn là sự lựa chọn tốt hơn. Nếu so về giá cả, tính tiện lợi, gắn kết, thoải mái thì chợ cải tạo cũng thua xa chợ truyền thống, người đi chợ dù đi xe hay đi bộ cũng có thể nhanh chóng đi đến gian hàng mình cần. Chợ cải tạo mang một số nét của siêu thị pha trộn với một số nét của chợ truyền thống nhưng khi so sánh thì không so được với siêu thị cũng như chợ truyền thống.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phân tích: “Những cảm tình của người dân với siêu thị cho thấy hướng tất yếu, phù hợp quy luật của việc phát triển các mô hình chợ cao cấp, hiện đại. Tuy nhiên, đi cùng với đó, đời sống người dân phải được nâng lên, giải quyết tốt các vấn đề lao động, để tránh lãng phí khi chợ xây mới thì đìu hiu mà chợ ngoài trời, tự do lại mọc lên gần đó”.

Chợ truyền thống vẫn tồn tại bền bỉ bên cạnh sự phát triển của mô hình thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Để chợ đi từ truyền thống đến hiện đại, cần nâng cao yếu tố văn hóa, văn minh thương mại, nâng cao ứng xử văn hóa của cả người bán và người mua; quản lý chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Chợ là không gian kinh tế, là dấu ấn văn hóa, xã hội độc đáo đã đi cùng thành phố Hà Nội suốt chiều dài lịch sử. Cần cải tạo và phát triển cân đối, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để mang đến cho chợ Hà Nội một diện mạo khang trang, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc nghìn năm của chốn Kinh kỳ.

Nhật Mai