Ấm áp tình người vùng cao trong mùa dịch
Như Đại Đoàn Kết đã đưa tin, những người dân huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam những ngày qua đã lên rừng hái rau, măng, bầu, bí,… để ủng hộ cho người dân đang gặp khó khăn vùng tâm dịch. Câu chuyện gây xúc động mạnh trong cộng đồng, để lại ấn tượng đầy nhân văn của tình người trong cơn đại dịch Covid-19.
Từ lá thư xúc động của Mặt trận vùng cao
Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam chia sẻ, Nam Trà My là huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, đời sống của đại bộ phận người dân nơi đây còn rất nghèo khó luôn nhận được sự hỗ trợ của người vùng xuôi, nhất là những mùa bão lũ
“Còn nhớ, mỗi lần sau thiên tai mưa lũ ở Nam Trà My là hàng chục đoàn người, đoàn xe ở đồng bằng đầy ắp quà, nhu yếu phẩm kịp thời lên huyện nhà để sẻ chia gian khó, vơi bớt một phần cực nhọc cho bà con. Điều này đồng bào ở Nam Trà My ai cũng nhìn thấy, đều biết và rất trân quý tình cảm đó”, bà Huệ nói.
Cho nên trong lúc dịch Covid-19 bùng phát ở miền xuôi, người dân vùng cao muốn chia sẻ, hỗ trợ để mọi người dân có thêm động lực cùng với cả hệ thống chính trị tham gia đẩy lùi dịch Covid-19. Chính từ trách nhiệm và tình cảm thân thương, chân thành nên lá thư đã ra đời kêu gọi toàn thể cán bộ, doanh nghiệp và đồng bào huyện nhà ủng hộ bà con vùng dịch.
Lá thư có đoạn: “Với tình cảm mà bà con đồng bằng đã, đang và sẽ mãi dành cho quê hương Nam Trà My, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My kêu gọi toàn thể mọi người hãy cùng tham gia đóng góp kinh phí, rau, củ, quả (rau lủi, rau má, rau lang, rau ngót, bắp chuối, ngọn bí, măng rừng, bầu, bí, dưa leo, đu đủ, chuối, sắn, khoai, môn…) để tiếp thêm thực phẩm cho các gia đình dưới đồng bằng đang bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội có nguồn thực phẩm sạch nâng cao dinh dưỡng trong lúc chống dịch”.
Đến người dân đồng lòng hưởng ứng
Ông Hồ Thanh Bá, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trà Mai chia sẻ, trước việc Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện kêu gọi người dân đã tích cực hưởng ứng. Bà con lên rừng hái măng, rau lủi, lên rẫy hái quả bầu, quả chuối,… cứ thế nhà nhà, người người cùng nhau hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện.
Chỉ trong ngày 19 và 20/8, người dân ở 5 xã Trà Mai, Trà Tập, Trà Don và Trà Dơn, Trà Leng đã băng rừng, lội suối, lên non, lên rẫy cùng nhau góp công, góp của ủng hộ gần 10 tấn nông sản để vận chuyển ủng hộ người dân TP Đà Nẵng chống dịch. Cứ thế người dân nơi đây dậy từ mờ sớm ra vườn hái rau, bầu, bí, lên non nhặt nhánh rau rừng, củ, quả,… rồi gùi xuống Trung tâm văn hóa huyện để kịp chuyến xe vận chuyển về xuôi.
Ông Hồ Văn Ba (50 tuổi, trú thôn 2, xã Trà Mai) tâm sự: “Nghe cán bộ thôn đi tuyên truyền vận động ủng hộ người dân TP Đà Nẵng chống dịch, cả gia đình mình đã lên rừng hái 20 bó rau lủi, 20 quả bầu, bí mang xuống ủng hộ. Vì mình còn nhớ những lúc mưa bão, sạt lở đất bà con ở đây bữa ăn “thiếu trước hụt sau” bà con ở TP Đà Nẵng đem gạo, mắm, mì tôm lên cho, người dân biết ơn lắm!”.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trà Mai cho rằng: “Những sản phẩm từ núi rừng như bó rau, quả bầu, trái chuối,… tuy là thực phẩm đơn giản, rẻ tiền nhưng nó gửi gắm tình cảm sâu lắng của người dân miền núi đến người dân TP Đà Nẵng. Tất cả thực hiện với cái tâm của mình, thể hiện tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn của dân tộc ta. Thật sự xúc động khi thấy bà con không phân biệt già trẻ, lớn nhỏ đã băng rừng, vượt suối đi góp nhặt từng bó rau, củ, quả…”.
Ấm áp tình người
Càng đáng nói, đáng quý hơn, trong số đó có những gia đình hoàn cảnh còn rất khó khăn, hay tuổi đời còn quá nhỏ. Nhưng tất cả đã hành động vì vùng xuôi thân yêu.
Có thể kể đến như chị Hồ Thị Hồng (38 tuổi, trú thôn 1, xã Trà Mai), mặc dù hoàn cảnh khó khăn nuôi con nhỏ, nhưng khi nghe thông báo, chị đã đào cả rẫy khoai mì, lên rừng hái rau lủi, măng tự mang đến hội trường thôn ủng hộ. Đó không phải là trường hợp đặc biệt.
Theo ông Ba, Trà Mai là một xã miền núi nghèo, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nên ai có gì ủng hộ nấy. Theo đó hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn xã chung tay ủng hộ gần 2 tấn nông sản cho người dân dưới đồng bằng. Ngoài ra, người dân còn ủng hộ hơn 8,6 triệu đồng tiền mặt. Hình ảnh người dân kéo nhau đi hái rau rừng, thu hoạch nông sản hỗ trợ miền xuôi đã làm nhiều người thực sự xúc động.
Trong số trên, có hình ảnh một cậu bé vác búp măng non trên con đường bùn đất đi ủng hộ chống dịch, được thầy Nguyễn Trần Vỹ, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai) ghi lại, chia sẻ lên trang Facebook đã làm lay động hàng triệu con tim.
Theo thầy Vỹ, cậu bé vác búp măng rừng đi ủng hộ bà con đồng bằng chống dịch là Hồ Ánh Khiết, sắp bước vào lớp 3 (trú thôn 1, xã Trà Tập). Khiết sống cùng ba mẹ và đứa em trai đang học mẫu giáo. Gia đình thuộc diện khó khăn, ba bị đau cột sống, khớp, không làm được việc nặng. Hằng ngày, sau giờ học, Khiết thường theo mẹ đi lấy rau rừng.
“Hôm mẹ đi hái rau ủng hộ đồng bằng, cũng như những lần khác cu cậu theo chân mẹ rồi thấy búp măng cu cậu đề nghị mẹ bẻ cho cu cậu vác ủng hộ”, thầy Vỹ chia sẻ.
Thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập cũng xác nhận rằng: “Hồ Ánh Khiết đang là học sinh của nhà trường, tuy gia đình còn nghèo khó nhưng em rất chăm ngoan, hiếu học. Em Khiết là một trong những đứa trẻ ở vùng cao này theo cha mẹ lên núi hái rau, măng rừng về ủng hộ. Việc làm của các em thật vô cùng ý nghĩa và khiến ai cũng đều xúc động”.
Thế rồi người dân vùng cao này càng vui khi thấy tất cả nông sản của mình ủng hộ được xếp đầy trên 7 chiếc xe tải lăn bánh thẳng tiến về vùng tâm dịch TP Đà Nẵng. Quả thật từ lá thư kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện miền núi Nam Trà My cho đến những việc làm của người dân vùng cao này đã khiến cho mọi người xúc động.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My cho biết, rất phấn khởi trước thành công ngoài sự mong đợi của lời kêu gọi lần này, sắp tới huyện tiếp tục triển khai kêu gọi chương trình “Hướng về đồng bằng – san sẻ yêu thương” ở 6 xã còn lại. Dự kiến, toàn bộ nông sản trong đợt 2 sẽ được gửi trao tới khu cách ly, phong tỏa ở các huyện trên địa bàn tỉnh nhà Quảng Nam.