Bớt ám ảnh ô nhiễm làng nghề
Thay vì thải hàng ngàn tấn khí CO2 ra môi trường, công nghệ lò mới được đưa vào sản xuất giúp các hộ dân làng bún Phú Đô (Từ Liêm, Hà Nội) giảm thiểu phát thải khí CO2, tăng năng suất, tạo môi trường kinh tế làng nghề xanh, sạch.
Giới chuyên gia nhận định, đây là hướng đi đúng đắn để phát triển kinh tế làng nghề một cách bền vững.
Môi trường “lĩnh” 6.000 tấn khí CO2 mỗi năm
Theo kết quả khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vấn đề nan giải nhất về ô nhiễm môi trường của làng nghề bún Phú Đô là ô nhiễm nguồn nước và không khí, do nước thải và khí than thải ra môi trường trong quá trình sản xuất. Kết quả điều tra trên 500 hộ làm bún của làng nghề cho thấy bình quân trong năm, mỗi hộ làm nghề tiêu thụ 17,59 tấn gạo, sản xuất 41,87 tấn bún, sử dụng 2,2 động cơ điện (công suất bình quân 3,7kw).
Trung bình mỗi hộ tiêu thụ 19 - 22 kg than, hiệu suất tiêu hao nhiệt là 618 mcal/tấn bún. Bình quân mỗi năm, làng nghề thải ra môi trường 1.586 tấn xỉ than và 6.158 tấn khí CO2. Công nghệ lạc hậu, hệ thống xử lý thải hoạt động kém khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại Phú Đô đang ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Tuấn Tú, người dân sống tại làng Phú Đô cho biết, người dân làng bún Phú Đô đã từng bị ám ảnh bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, mùi hôi của nước thải tại các gia đình làm nghề tuồn thẳng ra sông Nhuệ nhiều năm nay. “Tuy nhiên, hiện tại tình hình này đã được cải thiện. Hiện nay, không còn tình trạng xả trực tiếp chất thải tại các gia đình bức tử dòng sông Nhuệ” – ông Tú nói.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Họa, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Truyền thống bún Phú Đô cho hay, trước những năm 1990, các hộ dân làm bún ở Phú Đô chủ yếu làm thủ công và sử dụng lò than để nấu và sản xuất khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí tại làng bún Phú Đô ngày càng nghiêm trọng. Đó còn chưa kể tình trạng người dân xả chất thải ra môi trường không qua khâu xử lý đẩy dòng sông Nhuệ đến mức báo động về ô nhiễm.
“Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương phối hơp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa công nghệ mới vào sản xuất, các hộ dân đã ứng dụng và thay thế các thiết bị thủ công, loại bỏ lò than để nấu bún. Từ đó có sự cải thiện rõ rệt về vấn đề môi trường”, ông Họa nói.
Loại bỏ công nghệ lạc hậu
Theo ông Họa, từ khi áp dụng công nghệ máy móc hiện đại vào sản xuất bún, lượng nước thải từ bún giảm khoảng 70% so với trước. “Nước thải hiện nay không có mùi nên không đáng quan ngại với môi trường”, ông Họa cho biết.
Được biết, các hộ dân làng bún Phú Đô đã đưa công nghệ mới vào sản xuất với mô hình tiết kiệm năng lượng đó là lò than cải tiến có ống dẫn thải,hệ thống bảo ôn, tái chế nhiệt, hiệu suất cao gấp nhiều lần loại lò cũ.
“Dùng loại lò này, lượng nhiệt thải ra được tái chế vào các sinh hoạt khác như đun nấu, sấy khô, sưởi ấm… không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn góp phần giảm thiểu những tác hại có thể gây ra đối với môi trường xung quanh”, ông Họa nói rõ.
Ngoài ra, với các hộ sản xuất theo nhóm, thiết bị thay thế lò than truyền thống là nồi hơi áp suất với lượng hơi, nhiệt độ phù hợp, giảm tối đa sự cố. Năng suất đạt 300-400 kg/giờ, cao hơn 2,5 lần công nghệ cũ. Theo tính toán của giới chuyên gia, áp dụng mô hình này, các nhóm hộ kinh doanh chỉ mất khoảng 5 giờ/ ngày để sản xuất, tiết kiệm 71% lượng than so với sản xuất thủ công. Và như vậy, mỗi năm làng bún Phú Đô tiết kiệm được 1.300 tấn than, giảm phát thải 2.000 tấn CO2.
Bà Trần Thị Thu Trà, người dân ở làng bún Phú Đô cho biết, từ ngày các hộ dân áp dụng công nghệ tiên tiến vào làm bún, không sử dụng lò than truyền thống nữa, môi trường cải thiện rõ nét. “Trước đây nhà nhà chứa than, đường làng ngõ xóm chỗ nào cũng thấy phơi than, rơm củi chất đống, mưa bão ẩm ướt gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường thì nay, diện mạo làng Phú Đô đã thay đổi hoàn toàn. Mặt bằng kho bãi gọn gàng sạch tươm, sức khỏe người lao động cũng được đảm bảo” – bà Trà cho biết.
Các hộ kinh doanh tại làng bún Phú Đô cũng nhìn nhận, không những môi trường được cải thiện, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên rõ rệt: Sợi bún dai hơn, trắng và dẻo hơn. Năng suất cũng tăng gấp đôi, ba so với trước.
Được biết, không chỉ làng nghề bún Phú Đô đang áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhiều làng nghề khác cũng đang loại bỏ dần những dây truyền, thiết bị sản xuất cũ kỹ lạc hậu để thay thế bằng các công nghệ tiên tiến hiện đại.
Đơn cử như làng gốm Bát Tràng cũng đã đầu tư công nghệ lò gas để nung gốm. Cùng với việc xây lò gas, Bát Tràng cũng đang đưa lò điện vào nung gốm. Tuy lò điện không có lợi thế trong tạo ra sản phẩm có những màu men đặc biệt nhưng lại có giá trị kinh tế trong nung những sản phẩm đòi hỏi độ nung thấp, nhanh, nhất là với sản phẩm phục vụ du lịch. Theo các chuyên gia trong ngành, những công nghệ mới này không những cho năng suất cao mà còn giảm thiểu ô nhiễm, dần dần tạo nên những làng nghề xanh, sạch, thân thiện với môi trường cũng như đảm bảo các vấn đề về sức khỏe cho người lao động.