Trị bệnh 'không biết tiêu tiền'
Từ lâu tình trạng trì trệ giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh trầm kha, cần phương thuốc đặc trị cơ bản và hữu hiệu.
Chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về công tác giải ngân vốn đầu tư công đang đem đến những chuyển biến tích cực từ nhiều bộ, ngành và các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, từ lâu tình trạng trì trệ giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh trầm kha, cần phương thuốc đặc trị cơ bản và hữu hiệu. Thuốc điều trị căn bệnh “không biết tiêu tiền” ấy, không chỉ thúc đẩy hoàn thành chỉ tiêu thi đua thường niên, mà còn góp phần hoàn thiện thể chế, kiến tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế đất nước.
Lượng vốn cần giải ngân cho đầu tư công năm 2020 tương đương gần 700.000 tỷ đồng. Nhưng sau hơn nửa năm thực hiện, tình hình giải ngân chỉ đạt 33,9% kế hoạch, vẫn còn tới khoảng 577.000 tỷ đồng “án binh bất động”. Trong đó, có hàng loạt bộ, ngành trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân chỉ đạt dưới 20%.
Nhiều địa phương còn trì trệ, không quyết tâm vào cuộc tháo gỡ khó khăn, bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng bị giải ngân chậm vừa ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế vừa gây đội vốn, gây lãng phí lớn khi Chính phủ phải trả thêm chi phí. Các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài cũng bị kéo lùi, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng huy động vốn xã hội, uy tín quốc gia, nguy cơ thuyên giảm niềm tin của các nhà đầu tư.
Đây không phải là tình hình mới. Việc ngâm vốn đầu tư công đã tồn tại nhiều năm qua và năm nay tiếp tục gia tăng mức báo động. Hiện tượng “có tiền không biết cách tiêu” trở thành thực trạng. Năm nay đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội đất nước, tình hình xuất khẩu và tiêu dùng gặp khó khăn, nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân bị giảm giảm sút.
Hơn bao giờ hết, các dự án đầu tư công được kỳ vọng trở thành cứu cánh kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng nền kinh tế, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho người dân thoát khó khăn lúc này. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn cho đầu tư công lại vẫn tiếp tục đủng đỉnh, bị đình trệ, bất cập như thường lệ. Sự tắc nghẽn cỗ máy vận hành hệ thống cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực này cần nhanh chóng được tháo gỡ. Quyết tâm giải ngân hết vốn đầu tư công thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã phải tổ chức 7 đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ cùng các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn kiểm tra tại các bộ, địa phương, nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công.
Qua kiểm tra của các cơ quan hữu quan đã thừa nhận có hàng loạt lý do dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian dài, khó chuyển biến, thay đổi. Chẳng hạn như, một số bộ, ngành và địa phương vẫn chậm ban hành đơn giá, định mức xây dựng cho các công việc đặc thù, chuyên ngành, để làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư, xây dựng dự toán và quản lý chi phí theo quy định của Chính phủ.
Vấn nạn khập khiễng, thiếu thống nhất giữa nghị định và thông tư vẫn chưa được giải quyết triệt để, tiếp tục gây vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Một số quy định chung chung, hay những quy định “cài răng lược” cản trở nhau vẫn tồn tại, khiến thủ tục bị kéo dài không cần thiết. Công tác lập kế hoạch ở nhiều địa phương chưa sát thực tế khiến việc giao và giải ngân vốn không phù hợp khả năng thực hiện trên từng dự án.
Trong khi đó, có không ít dự án dù đã được thông qua vẫn không thể giải ngân thực hiện vì những lý do khó hiểu. Nhiều địa phương đề nghị được bố trí lượng vốn lớn để đầu tư phát triển, nhưng khi nhận được vốn xong lại không tổ chức thực hiện nghiêm túc, chậm giải ngân.
Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là “do quan liêu, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”. Bởi cùng một cơ chế chính sách, có địa phương giải ngân tốt nhưng có nơi lại rất “ì ạch”. Dễ thấy rằng, có những việc mang lại lợi ích lớn trực tiếp thì các chủ thể liên quan mới mạnh tay thực hiện.
Trong khoảng một tháng qua, sự chỉ đạo quyết liệt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng việc đề cao trách nhiệm người đầu các bộ ngành và địa phương, đã lập tức xuất hiện nhiều biện pháp mới, tác động tích cực đến việc giải ngân vốn đầu tư công. Lãnh đạo cao nhất của một số địa phương đã trực tiếp đi đôn đốc giải ngân từng công trình cụ thể.
Nhiều Tỉnh ủy, Thành ủy ban hành nghị quyết nêu cao vai trò hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; thường xuyên giao ban đôn đốc giải ngân; điều chuyển vốn, chuyển chủ đầu tư, đưa ra chế tài mạnh đối với các trường hợp chậm trễ.
Rõ ràng, căn bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến dự án đầu tư công cần phải được ngăn chặn, tránh sự trì trệ cản trở hiệu năng vận hành cỗ máy xây dựng phát triển. Cơ chế chính sách liên quan đến dự án đầu tư công cần tiếp tục được kiện toàn. Quốc hội trao cho Chính phủ quyền thực hiện các giải pháp thực thi công vụ quốc gia vì lợi ích của nền kinh tế đất nước.
Thế nhưng, việc chấm dứt tình trạng trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công cần phải tháo bỏ dây trói cụ thể nào, cần phải bổ sung, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật gì liên quan, thì đó là nhiệm vụ “bắt mạch, tham mưu trị bệnh” của các bộ, ngành, cùng với trách nhiệm phản hồi tích cực từ các địa phương trên cả nước.