Mô hình 5R hạn chế rác thải nhựa đại dương
Bộ TNMT vừa có Quyết định số 1855/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Kế hoạch bao gồm 5 nội dung trọng tâm sau: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; Thu gom, phân loại, xử lý và kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương; Rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương; Tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg.
Theo Bộ TNMT, việc quan trọng hàng đầu trong việc hạn chế rác thải nhựa nói chung và rác thải đại dương nói riêng là nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương. Theo đó, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai thực hiện phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy”; kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Đặc biệt, Bộ TNMT sẽ tổ chức các đợt tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động áp dụng mô hình 5R (Renew, Refuse, Reduce, Reuse, Recycle - Gia hạn, Từ chối, Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế) trong vận hành, sản xuất dịch vụ, cuộc sống thường ngày để giảm thiểu, hạn chế, nói không với rác thải nhựa. So với mô hình 3R (Reduce, Reuse, Recycle - Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế) trước đây, mô hình 5R hạn chế việc thải rác nhựa nhiều hơn.
Bộ TNMT khuyến khích xây dựng và thực hiện các hoạt động, phát động phong trào khởi nghiệp, các sáng kiến xanh về tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường nhằm thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Để triển khai mạnh mẽ việc hạn chế rác thải nhựa, Bộ TNMT sẽ tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, làm sạch một số bãi biển quy mô quốc gia, tối thiểu một năm hai lần trên cơ sở xác định thứ tự ưu tiên và lộ trình thực hiện phù hợp; Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền ra biển và từ các hoạt động trên biển, hải đảo; Đề xuất, phối hợp với các địa phương ven biển xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn tại một số khu kinh tế, khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất ven biển; Thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo, lồng ghép với các giải pháp, biện pháp quản lý tổng hợp lưu vực sông, các đô thị ven biển, cửa sông; tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước.