Dân thiếu nước do vướng phân vùng
Việc phân vùng cấp nước vừa tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh, vừa đảm bảo cung ứng nhu cầu nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, thực tế tại Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp trúng thầu dự án do năng lực yếu kém đã để nhiều dự án mang tính cấp thiết “trên giấy”, hoặc “đắp chiếu” suốt nhiều năm qua.
Được biết, ngày 20/4/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án hệ thống nước sạch nông thôn liên huyện của Công ty CP Việt Thanh VnC, với phạm vi cấp nước cho một số xã trong đó có xã Hoằng Quang, Hoằng Đại thuộc TP Thanh Hoá với tổng mức đầu tư đã điều chỉnh là 261,24 tỷ đồng. Dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 7/2018 và dự kiến hoàn thành, đi vào hoạt động tháng 12/2019. Tuy nhiên đến nay, không hiểu vì lý do gì dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.
Tương tự tại huyện Nông Cống, Dự án được Công ty Môi trường xanh (có trụ sở đóng tại Hà Nội) thi công. Đây là dự án nước sạch với quy mô cung ứng cho 13 xã trên địa bàn huyện này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt từ năm 2018, đến nay vẫn chưa được triển khai thi công. Đến nay dự án xây dựng nhà máy nước vẫn chỉ là vùng đất nham nhở, lổn nhổn hoang hóa...
Theo lãnh đạo huyện Nông Cống, sắp tới huyện sẽ cho rà soát lại, những dự án nào đã được phân vùng, quy hoạch mà chưa triển khai, huyện sẽ tiếp tục kiến nghị. Khu vực nào chưa phân vùng, khó khăn về nguồn nước, huyện sẽ kêu gọi đầu tư.
Qua tìm hiểu của PV Đại Đoàn kết, có một thực tế đáng buồn là trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện tại có nhiều dự án nước sạch khác nhau tồn tại, do nhiều nhà đầu tư là các doanh nghiệp “có tiếng” đăng ký và được tỉnh chấp thuận chủ trương cũng như phê duyệt dự án. Tuy nhiên, khi có chủ trương đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản là các nhà đầu tư này đều thiếu năng lực về tài chính đã khiến họ đầu tư nửa chừng rồi “đắp chiếu” để đấy, hoặc sau khi được phê duyệt vẫn chỉ để trên giấy mà không bắt tay vào triển khai.
Ông Lê Sỹ Len, Phó Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Thanh Hóa cho biết, Công ty có đủ năng lực cấp nước thêm cho các vùng phụ cận. Thêm vào đó, các nhà máy nước sạch trực thuộc Công ty đóng tại các huyện, thị, cơ bản đang hoạt động dư công suất. “Tuy nhiên, vì đã có phân vùng cấp nước và có nhà đầu tư khác nên chúng tôi không thể đầu tư chồng lấn. Theo tôi, đối với những dự án đã được tỉnh quy hoạch, phân vùng nếu các đơn vị chủ đầu tư cố tình kéo dài thời gian không triển khai thì tỉnh nên thu hồi, chuyển giao cho đơn vị khác có năng lực đầu tư!”, ông Len bày tỏ quan điểm.
Được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho các cơ quan chức năng rà soát đối với các dự án này. Nếu chậm, không triển khai do không đủ năng lực, tỉnh sẽ thu hồi và giao lại cho các chủ đầu tư khác có năng lực thực sự.