Chắp cánh cho khoa học phát triển
Trải qua gần 20 năm miệt mài nghiên cứu để đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường làng nghề Việt Nam, nhóm tác giả và cộng sự của GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Đặng Thị Kim Chi (Viện Khoa học công nghệ và môi trường - Đại học Bách khoa Hà Nội) đã được công nhận và ghi danh trong “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam” năm 2020. Hiện nay, công trình nghiên cứu trên đã góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay.
PV: Được biết bà và nhóm cộng sự đã mất rất nhiều năm nghiên cứu để đưa ra một công trình nghiên cứu mang tính chiến lược và dài hơi đối với vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay. Bà có thể chia sẻ một số thông tin về công trình nghiên cứu mà bà dày công nghiên cứu?
GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Bản thân chúng tôi rất cảm động vì đây là lần đầu tiên công trình nghiên cứu được công nhận và ghi danh vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Đây là công sức đóng góp của cả một tập thể mà trong đó tôi làm chủ nhiệm.
Trong suốt gần 20 năm qua đã có 16 đề tài khoa học công nghệ liên quan đến vấn đề môi trường Việt Nam mà tôi tham gia đóng góp vào đó.
Tuy nhiên, bên cạnh tôi là cả một tập thể cán bộ nghiên cứu khoa học, các sinh viên, học viên cao học và cả nghiên cứu sinh cùng tham gia để đến ngày hôm nay chúng tôi có 3 bộ tuyển tập về làng nghề Việt Nam và môi trường. 7 tài liệu hướng dẫn cải thiện và xử lý ô nhiễm môi trường tại 7 loại hình làng nghề Việt Nam, có giá trị đóng góp hiệu quả cho các hoạt động bảo vệ môi trường tại nông thôn Việt Nam, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường. Hiện tại đã có một số công trình tiêu biểu đã được ứng dụng tại một số làng nghề Bắc Bộ.
Vậy những công trình đang được ứng dụng và mang lại hiệu quả cao là những công trình gì, thưa bà?
-Chúng tôi đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn để cải thiện môi trường làng nghề dệt nhuộm, làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, làng nghề tái chế nhựa, làng nghề tái chế kim loại, tái chế giấy…
Đây là bộ tài liệu rất bổ ích cho các cơ quan quản lý môi trường tại các địa phương, người dân sinh sống và hoạt động tại các cơ sở sản xuất nhỏ tại các làng nghề, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững các làng nghề.
Đối với từng loại hình làng nghề đều có giới thiệu chung về quy trình sản xuất, các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đặc thù như: Giải pháp sản xuất sạch hơn, công nghệ xử lý chất thải như khí thải, nước thải, chất thải rắn phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề, các giải pháp quản lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Vậy những động lực nào khiến bà và các cộng sự say sưa nghiên cứu khoa học như vậy, thưa bà?
-Cách đây hơn 20 năm, chúng tôi đã gặp một chuyên gia người Mỹ muốn vào Việt Nam để tìm hiểu hoạt động của cơ sở thủ công nhưng lại đặt ở vùng nông thôn.
Sau khi tham gia với ông, chúng tôi thấy rằng không một nước nào trên thế giới mà mật độ các làng nghề lại nhiều như ở Việt Nam. Không có một nơi nào nhiều hoạt động thủ công không phải hoạt động nông nghiệp lại nằm trong vùng nông thôn, tận dụng tất cả lao động nông nhàn, dư thừa để làm ra sản phẩm phục vụ đời sống của họ như ở Việt Nam.
Qua thời gian, những sản phẩm đó vượt qua phạm vi làng xã để xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Với đặc điểm hoạt động sản xuất phi nông nghiệp nhưng lại nằm trong vùng nông thôn nên có những đặc thù riêng vì đó là những hoạt động tự phát có cầu thì có cung. Nó tận dụng lao động nông nhàn đủ mọi tầng lớp từ già trẻ, lớn bé trong gia đình. Quan hệ sản xuất của các làng nghề là quan hệ dòng tộc, gia đình kết hợp với phường xóm. Nó khác hẳn với các loại hình công nghiệp từ trước tới nay.
Chính sự tìm hiểu đó khiến chúng tôi có sự say mê nghiên cứu. Nhiều năm đã trôi qua, các nghiên cứu về làng nghề môi trường Việt Nam cứ lần lượt được đắp đầy. Chúng tôi rất tự hào vì nghiên cứu đã giúp cho việc cải thiện môi trường tại vùng nông thôn Việt Nam có tồn tại các sản phẩm phi nông nghiệp tiểu thủ công giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nó sẽ giúp cho nông thôn Việt Nam phát triển hơn, đẹp đẽ hơn.
Thưa bà, trong quá trình nghiên cứu, chắc hẳn bà và nhóm cộng sự đã gặp phải rất nhiều khó khăn và những cái khó đó đến từ đâu?
-Đúng vây, khó khăn chúng tôi gặp phải rất nhiều. Những ngày đầu không phải tất cả mọi người đều thấy việc nghiên cứu bảo vệ môi trường tại làng nghề là cần thiết; thiếu tính thiết thực.
Bên cạnh đó bản thân bà con tại các làng nghề cũng không thật sự tự giác; thấy không cần thiết phải xử lý ô nhiễm bởi vì bao thế hệ nay họ vẫn sống như vậy. Thế nhưng sau khi chúng tôi điều tra, phân tích, đánh giá và có tổ chức tuyên truyền, mọi người mới nhận ra quả thật các hoạt động làng nghề đã gây ra ô nhiễm môi trường khủng khiếp đến thế nào.
Chúng tôi cũng đã có điều tra về tuổi thọ của những người dân sống ở các làng nghề thấp hơn rất nhiều so với làng thuần nông mặc dù thu nhập của làng nghề cao hơn nhưng do độc hại trong quá trình sản xuất dẫn đến cuộc đời của họ ngắn lại.
Do đó, công trình nghiên cứu của chúng tôi ra đời để giải quyết phần nào bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề Việt Nam. Để những làng quê Việt Nam đẹp đẽ hơn, đáng sống hơn; để người dân không phải đánh đổi kinh tế mà vẫn có thể bảo vệ được môi trường.
Trân trọng cám ơn bà!