Người dân còn e dè với điện mặt trời
Chỉ trong 2 năm, điện mặt trời mái nhà đã phát triển bùng nổ với 1.000 MW. Phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn khá e dè với các thiết bị sử dụng điện từ nguồn năng lượng mới này.
Tại buổi tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ” mở đầu cho Tuần lễ năng lượng tái tạo 2020 (từ 25-28/8/2020), nhiều chuyên gia khẳng định, chuyển dịch năng lượng sạch đã trở thành xu thế không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Tính đến tháng 6/2020, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành đạt khoảng 5.500 MW, trong đó điện mặt trời áp mái đạt trên 31.750 dự án với tổng công suất 657,88 MWp. Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện và Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng năng lượng tái tạo trong khu vực ASEAN.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đánh giá, cơ chế giá khuyến khích đã giúp Việt Nam đạt được 1.000 MW cho điện mặt trời mái nhà chỉ trong vòng 2 năm qua, đồng thời tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối… góp phần làm cho thị trường điện mặt trời Việt Nam sôi động hơn bao giờ hét. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn quá khiêm tốn với tiềm năng kỹ thuật vô cùng lớn (ước tính tổng công suất lên tới 48.000 MW) của điện mặt trời mái nhà.
Nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa thực sự sẵn sàng bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn nên tâm lý số đông vẫn lo ngại, chần chừ. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ đặc biệt liên quan đến chính sách, tài chính...
Nhiều nhà đầu tư cũng cho biết, phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp bổ sung nguồn cung, giảm nguy cơ thiếu điện cho Việt Nam mà còn giải bài toán về phát triển sạch, bên cạnh đó là bài toán điện cho người nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn cần giải tỏa đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng về lưới điện để có thể giải tỏa lượng công suất khá lớn hiện nay.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ, thời gian qua điện mặt trời mái nhà đã tạo ra nhiều lượng điện năng phát lên lưới. EVN đã mua lại theo quy định, giúp hỗ trợ phần nào, đảm bảo cung-cầu năng lượng. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà, các Tổng Công ty Điện lực đã công khai các quy trình, thủ tục, khả năng giải toả công suất của từng trạm biến áp... và tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà trong quá trình ký thoả thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện.
Tuy nhiên, trên thực tế, ông Nguyên cho hay, việc tuyên truyền, quảng bá về phát triển điện áp mái còn hạn chế, nhiều khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công lắp đặt, vận hành, bảo hành thiết bị. Bên cạnh đó, chi phí thiết bị và lắp đặt còn cao, chưa có chính sách khuyến khích khách hàng là các hộ gia đình đầu tư, lắp đặt; chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị, hệ thống điện áp mái.