Biến tướng của đa cấp
Nhiều người đã mất hàng trăm triệu đồng do góp vốn đầu tư sau khi nghe lời mật ngọt hưởng lãi suất 40% năm. Hình thức gọi vốn đầu tư của một số công ty tài chính phải chăng là một kiểu kinh doanh đa cấp đang biến tướng?
Dụ dỗ bằng lãi suất 40%
Chia sẻ với PV Đại Đoàn kết, chị T.L. (Hà Nội) cho biết, hơn 300 triệu đồng góp vốn vào Công ty CP tập đoàn liên doanh Hồng Thái (GoGo) đang có nguy cơ mất trắng. “GoGo cam kết trả lãi góp vốn lên đến 40% vào cuối kỳ hợp đồng. Và sau khi hết thời hạn hợp tác, sẽ nhận lại được vốn đầu tư ban đầu”. Thế nhưng đó chỉ là lời cam kết suông.
Chị P.T.L. kể, tháng 6/2019, khi được một người bạn giới thiệu mô hình đầu tư sinh lời rất cao, gấp 3,4 lần gửi tiền vào ngân hàng. Người này liên tiếp đưa ra các hình ảnh chứng thực lợi nhuận, đảm bảo đầu tư vào GoGo sẽ trả được khoản nợ mà chị L. đang vay ngân hàng, thậm chí có thể mua thêm được căn hộ mới. Tin tưởng bạn, chị giấu gia đình dốc sạch 300 triệu đồng để nạp vào tài khoản của GoGo.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời hạn hợp tác góp vốn, tôi không nhận được tiền hoàn vốn cũng như lãi suất mà GoGo cam kết.
GoGo chỉ là một dẫn dụ điển hình cho tình trạng mời gọi góp vốn đầu tư, nhưng khi tham gia rồi người dân mới biết mất cả chì lẫn chài.
Thời gian gần đây, một số công ty lợi dụng dịch Covid đã đưa ra lời quảng cáo rất mùi mẫn để hút vốn người dân như: lợi nhuận lên đến 15-20%/năm; bảo toàn vốn 100% và cam kết lãi tối thiểu theo như đã ký kết với Nhà đầu tư; lợi nhuận và vốn được trả đều hàng tháng
Đọc những lời quảng cáo có cánh trên, cùng với việc bị mời chào thường xuyên, thì những ai có một chút ít tiền nhàn rỗi không thể không nảy sinh ý định đầu tư vô cùng mạo hiểm này.
Tất cả chỉ là bánh vẽ
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), thời gian gần đây, xuất hiện rất nhiều mô hình, dự án kinh doanh theo kiểu đa cấp, mang nhiều cái tên như “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “kinh doanh thời đại 4.0”…
Những dự án đa cấp này thường quảng cáo với hoa hồng, thu nhập rất cao. Đáng lưu ý, khoản tiền đầu tư của người tham gia dự án không hề được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào, mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia, hiển thị trên giao diện website. Hệ thống máy chủ lưu giữ dữ liệu thường được đặt tại nước ngoài. Chủ đầu tư không hiện diện tại Việt Nam hoặc có tư cách pháp nhân theo quy định của Việt Nam.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đánh giá mô hình hoạt động của các dự án này có dấu hiệu hoạt động đầu tư theo mô hình kim tự tháp và là hành vi bị cấm theo quy định hiện hành. Do đó, để tránh rủi ro về vật chất và pháp lý, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người dân không tham gia đầu tư, phát triển hệ thống kinh doanh vào các dự án như vậy.
Tìm hiểu trên thị trường có thể thấy, có nhiều loại hình đầu tư khác nhau, từ thị trường cổ phiếu trong nước, ngoài nước, đến thị trường vàng, trái phiếu, tài chính, đầu tư xuất khẩu... cho đến đầu tư tiền ảo.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định: Không có mô hình kinh doanh đầu tư đúng nghĩa nào có thể sinh lãi đến 40 %/năm. Các mô hình quảng cáo siêu lợi nhuận luôn có mùi lừa đảo, nhà đầu tư phải cẩn thận đề phòng.
Vẫn theo ông Hiếu, để ngăn chặn các hình thức lừa đảo góp vốn đầu tư đang nở rộ, các bộ, ngành cần phải đưa ra khung khổ pháp lý phù hợp. Với hành lang pháp lý nhiều kẽ hở hiện nay, chắc chắn ngày càng nhiều người dân bị lừa.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định: Không có mô hình kinh doanh đầu tư đúng nghĩa nào có thể sinh lãi đến 40 %/năm. Các mô hình quảng cáo siêu lợi nhuận luôn có mùi lừa đảo, nhà đầu tư phải cẩn thận đề phòng.