TP HCM: Chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu
Chiều 26/8, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị về công tác giải ngân vốn đầu tư công và các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu trong năm 2020”, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, việc giải ngân vốn cho đầu tư công nhanh chóng có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố giữa bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, việc tháo gỡ các ách tắc trong vấn đề này còn là nhân tố quan trọng để giải quyết việc làm, vốn chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 (đợt 2). Các tác động phức tạp đến kinh tế thành phố đã khiến hơn 21.000 doanh nghiệp (DN) của địa phương bị giải thể hoặc ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo UBND TP HCM thì việc để xảy ra chậm giải ngân vốn đầu tư công xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là năng lực tiêu thụ vốn kém, cộng thêm năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư rất kém.
Theo báo cáo của UBND TP HCM, đến trung tuần tháng 8/2020, các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố mới giải ngân được trên dưới 55% (tính cả khối lượng hoàn thành chưa quyết toán). Vốn giải ngân đầu tư công thấp trong thời gian dài đang trực tiếp ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của đô thị lớn nhất nước và cả nước, trong khi nhiệm vụ TP HCM đặt ra là đến cuối năm 2020 phải đạt 80%.
Dẫn chứng về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND Quận 2 cho biết, chỉ tính riêng trên địa bàn quận nay có 32 dự án đầu tư công với tổng số vốn 150 tỷ đồng. Dù vậy, tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, và còn khoảng hơn 84 tỷ đồng chưa giải ngân được, với nguyên nhân chủ yếu vẫn là vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tình hình tương tự tại Quận 9, theo ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND Quận 9 thì quận này cũng chỉ đạt 45,36% giải ngân vốn đầu tư công cho đến nay, trong đó có 38 dự án bị vướng. Quận 9 nhiều lần đề nghị phê duyệt giá bồi thường và tái định cư phải thực hiện song song với nhau nhưng tiến độ còn chậm.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì chính quyền thành phố đã tập trung chỉ đạo theo hướng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đổi mới phương pháp làm việc để tạo đột phá trong quá trình giải ngân.
UBND TP HCM chủ trì tổ chức giao ban 2 tuần/lần với các chủ đầu tư về tình hình giải ngân, trong đó các Sở ban ngành làm việc trước với các chủ đầu tư để nắm bắt tình hình, cũng như thống nhất phương án giải quyết.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã trực tiếp kiến nghị nhiều giải pháp với trung ương để tháo gỡ bài toán chậm giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố.
Trong đó, theo lãnh đạo TP HCM, trên địa bàn thành phố đang triển khai tới 1.643 dự án đầu tư công, với tổng kế hoạch vốn giao đến cuối năm vào khoảng gần 42.140 tỷ đồng. Do đó, việc giải ngân hết số vốn này có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố, và cũng là nhân tố để giải quyết công ăn việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (đợt 2) đang ảnh hưởng nặng nề đến thành phố và cả nước. Chỉ tính riêng số doanh nghiệp bị giải thể hoặc ngưng hoạt động trên địa bàn, cho đến nay đã lên đến hơn 21.000 đơn vị.
Từ thực trạng trên, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị với Trung ương về hướng đẩy mạnh công tác quyết toán với các dự án đầu tư công tối đa 30 ngày kể từ ngày phê duyệt bản nghiệm thu giữa chủ đầu tư với nhà thầu, trong đó trách nhiệm của chủ đầu tư phải làm thủ tục thanh toán tại kho bạc nhà nước.
Theo người đứng đầu chính quyền TP HCM, để tìm hướng giải quyết cho chậm giải ngân vốn đầu tư công thì cần thiết phải nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và không để kẽ hở xảy ra việc chậm nộp hồ sơ quyết toán dự án đầu tư công.
Đối với các khó khăn vướng mắc tại 12 dự án đầu tư trên địa bàn thành phố để đẩy nhanh tiến độ, lãnh đạo TP HCM mong muốn Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ngoài 12 dự án trên, đối với 126 dự án chậm thực hiện do một số vướng mắc dẫn đến chưa được giải ngân vốn thời gian qua cũng được TP HCM kiến nghị giải quyết.
Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, cả hệ thống chính quyền, các Sở ngành và 24 quận/huyện sẽ nỗ lực cao nhất để đến cuối năm 2020 phấn đấu giải ngân đạt trên 95%.
Chính quyền TP HCM cũng chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian từ nay đến cuối năm. Lãnh đạo TP sẽ theo sát quá trình đẩy mạnh thực hiện dự án, chủ động lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khâu thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ thi công các dự án.
“Người đứng đầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân. Đến ngày 15/10 giải ngân đạt từ 80%. Cơ quan chủ quản, người đứng đầu, chủ đầu tư sẽ không được xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ và không được hưởng thu nhập tăng thêm nếu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt”, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu.