Vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước
Ngày 26/8, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Học viện Quản lý giáo dục phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục”.
Phát biểu tại đây, TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng, những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành Giáo dục từ tháng 9/1945 đến ngày 15/10/1968 có thể thấy tư tưởng của Người về quản lý giáo dục; nội dung và các phương pháp giáo dục phải xuất phát từ người học, phải căn cứ vào đặc điểm, nhu cầu của người học và các điều kiện cơ bản của nhà trường.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng vai trò của giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới tiến bộ, văn minh hơn. Mục đích xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và quản lý giáo dục là vì con người và cho con người, hướng tới việc xây dựng con người mới, con người của chủ nghĩa xã hội. “Giáo dục không chỉ có vai trò quan trọng trong việc cung cấp, bồi dưỡng kiến thức, mà còn đào tạo, bồi dưỡng, rèn giũa nhân cách cho người học”, ông Phú bày tỏ.
Ông Phạm Chí Thành, quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm sâu sắc, toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Trong hệ thống tư tưởng của Người, vấn đề giáo dục, quản lý giáo dục được đề cập sâu sắc và có giá trị thực tiễn lâu bền. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Người căn dặn, Đảng cần phải chăm lo cho thế hệ trẻ, “đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
“Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là một trong 13 định hướng phát triển lớn để hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra nhiều thời cơ và cả những thách thức cho đất nước nói chung và cho ngành Giáo dục nói riêng”, ông Thành nói.
PGS.TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận rằng, tư tưởng sáng tạo và đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện thông qua các hoạt động cụ thể của Người trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, giáo dục là một lĩnh vực tiêu biểu. Tư tưởng sáng tạo và đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, đặc biệt là đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.