Thủy sản gặp khó
Sau một số công văn hướng dẫn, các sản phẩm của doanh nghiệp (DN) thủy sản bất ngờ bị quy sang hàng sơ chế, thuế suất phải nộp lại tăng lên 20%. Điều này đã gây ra thiệt hại lớn cho các DN. Khó khăn lại thêm chồng chất trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.
Một DN chế biến và xuất khẩu tôm sinh thái hàng đầu ở tỉnh Cà Mau cho biết, do tác động kéo dài của dịch Covid-19 nên nửa đầu năm nay, lợi nhuận của công ty đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc sụt giảm doanh thu và lợi nhuận không chỉ riêng DN này mà là tình trạng chung của ngành chế biến thuỷ sản khác ở tỉnh Cà Mau với 68 DN xuất khẩu, trong đó 29 DN có 39 nhà máy chế biến thuỷ sản với tổng công suất 185.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, đáng lẽ với những khó khăn đang hiện hữu, các chính sách về ưu đãi thuế cần được hỗ trợ kịp thời để cứu các DN thoát “cửa tử”. Thế nhưng, mới đây các DN thuỷ sản ở Cà Mau đã phải kêu cứu sau khi nhận được thông báo số 1057/TB-CT của Cục Thuế tỉnh Cà Mau về việc điều chỉnh kê khai quyết toán thuế thu nhập DN từ kỳ tính thuế năm 2015 đối với hoạt động chế biến thủy sản.
Theo đó, nổi cộm là việc áp dụng một số văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của Tổng cục Thuế khiến cho đa số các sản phẩm thuỷ sản chế biến của các DN ở Cà Mau bị quy là “sơ chế“ khiến các DN không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế Thu nhập DN (TNDN).
Trước tình hình này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) cũng đề nghị Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) xem xét cho các DN có đăng ký ngành nghề kinh doanh chế biến, bảo quản thủy sản và có nhà máy chế biến thủy sản. Cụ thể, các sản phẩm từ thủy sản (mã ngành 1020) được ưu đãi thuế TNDN theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP bằng cách sửa đổi lại Khoản 1, Điều 1 của Thông tư 26/2015/TT-BTC.
Theo Vasep, một số DN chế biến thuỷ sản trước đây đã từng được các cục thuế các tỉnh cho hưởng ưu đãi thuế TNDN với mức thuế suất 15%. Tuy nhiên, sau một số công văn hướng dẫn (được ban hành từ cuối 2017 đến nay) thì các sản phẩm của DN lại bị quy sang hàng sơ chế và thuế suất DN phải nộp lại tăng lên 20%. Điều này đã gây ra một thiệt hại lớn cho các DN.
Việc xác định thế nào là sản phẩm chế biến, thế nào là sản phẩm sơ chế đối với các DN thuỷ sản vẫn còn nhiều vướng mắc. Các DN cũng cho rằng, không có văn bản hướng dẫn nào về vấn đề này. Và căn cứ vào pháp luật thuế TNDN hiện hành thì không có quy định cụ thể thế nào là chế biến và thế nào là sơ chế thủy sản.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Được, đại diện một DN thủy sản chia sẻ, đối với thủy hải sản chỉ qua ướp lạnh -18 độ C; hoạt động chế biến thủy, hải sản làm chín mà không tạo ra sản phẩm mới với mục đích chỉ để bảo quản, cả hai hoạt động này chỉ là hoạt động sơ chế thông thường, không được coi là hoạt động chế biến thủy hải, sản để được ưu đãi thuế TNDN.
Theo ông Được, thuế giá trị gia tăng của sản phẩm này ở khâu tự sản xuất là không chịu thuế và ở khâu lưu thông thương mại là không phải kê khai nộp thuế, hoặc thuế suất 5% hoặc 0% nếu xuất khẩu. Khi đó thuế suất thuế TNDN là 20% nếu không thuộc địa bàn được ưu đãi thuế.
Ở góc độ quản lý nhà nước, hồi đầu tháng 7 năm nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị xử lý vướng mắc trong việc áp thuế đối với sản phẩm thủy sản “chế biến” và “sơ chế”.
Tại công văn này, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, giải quyết và hướng dẫn về kiến nghị của VASEP nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản, góp phần giúp DN giảm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là trong thời kỳ hiện nay, DN đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.