'Ông nghị' phạm luật

Tinh Anh 27/08/2020 06:28

Mấy ngày qua, dư luận xã hội bàn tán xôn xao việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) “bỗng dưng” sở hữu thêm quốc tịch Cộng hòa Síp (Cyprus).

Ông Phạm Phú Quốc.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc ông Phạm Phú Quốc “xin thêm” quốc tịch Cộng hòa Síp là đã vi phạm nghiêm trọng Luật Quốc tịch. ĐBQH là những người tham gia phê chuẩn các luật, vì thế một “ông nghị” phạm luật là điều không thể chấp nhận được.

Tại Điều 4, Luật Quốc tịch quy định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác”. Điều đó có nghĩa, không ai được phép “xin thêm” quốc tịch nước ngoài, bất kể đó là nước nào. Những người xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước khác, khi xin quay lại quốc tịch Việt Nam (nếu được Chủ tịch nước cho phép), thì cũng chỉ được công nhận quốc tịch Việt Nam.

Chiếu theo quy định trên, việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Síp là vi phạm pháp luật. Giờ thì còn quá sớm để có thể kết luận ĐBQH Phạm Phú Quốc có “ẩn ý” gì đằng sau việc “xin thêm” quốc tịch Cộng hòa Síp. Song, việc một đại biểu dân cử cố tình vi phạm pháp luật, che giấu không khai báo trung thực với cơ quan có thẩm quyền, khó tránh khỏi bị dư luận xã hội dị nghị có sự khuất tất. Người ta đồ rằng “ông nghị” này đang chuẩn bị “cửa sau” phòng trường hợp bất trắc.

Sự nghi ngờ của dư luận xã hội là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, chẳng ai tự nhiên cần có thêm một quốc tịch khác để làm gì, nếu không có động cơ, mục đích cụ thể. Vấn đề ở đây, động cơ, mục đích của ĐBQH Phạm Phú Quốc là gì khi “xin thêm” quốc tịch Cộng hòa Síp thì phải chờ cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh. Song, dù có là mục đích gì, động cơ ra sao thì việc làm trên cũng không thể chấp nhận được. Ở đây không chỉ đơn giản là vi phạm pháp luật, mà còn thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc rất kém.

Một công dân, nhất là một ĐBQH thực sự yêu nước thì không ai có nhu cầu là công dân của một nước khác, ngoài Tổ quốc Việt Nam. Vậy nên, dù có là vô tình “được thêm” quốc tịch Cộng hòa Síp, thì ĐBQH Phạm Phú Quốc cũng đã cho thấy tinh thần yêu nước của ông ta là như thế nào. Khi một đại biểu dân cử không toàn tâm, toàn ý lo dựng xây quê hương Tổ quốc mạnh giàu, mà tâm tưởng luôn hướng về một đất nước xa xôi khác, thử hỏi làm sao nhân dân có thể không đau lòng, bức xúc?

Song, dư luận cho rằng việc ĐBQH Phạm Phú Quốc “vô tình” có thêm quốc tịch Cộng hòa Síp chỉ là sự ngụy biện để trốn tránh “búa rìu dư luận”.

Theo như “giải trình” của ĐBQH Phạm Phú Quốc với báo chí, vợ con đã nộp đơn xin quốc tịch Cộng hòa Síp cho ông ta từ năm 2018. Vậy tại sao từ đó cho đến thời điểm “bị lộ” (Hãng tin Al Jazeera của Qatar công bố đích danh ông Quốc là một trong những người đã “mua” quốc tịch Síp với giá 2,5 triệu USD), “ông nghị” này không báo cáo trung thực với cơ quan có thẩm quyền?

Điều đó chỉ có thể hiểu được là ĐBQH Phạm Phú Quốc đã cố tình giấu giếm sự thật. Nếu Hãng tin Al Jazeera không công bố danh sách các quan chức ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ dùng hàng triệu đô la để “mua” quốc tịch Cộng hòa Síp, có lẽ bí mật này sẽ mãi mãi không ai phát hiện được. Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao ĐBQH Phạm Phú Quốc phải giấu giếm việc có thêm quốc tịch Cộng hòa Síp? Có lẽ là để khi cần thiết “ông nghị” này có thể dễ dàng rời bỏ Việt Nam ra đi không ai có thể tìm được.

Đến đây, tôi chợt nhớ tới bị án Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Vào thời điểm Bộ Công an đang điều tra hàng loạt vụ án có liên quan đến nhân vật này, thì bỗng nhiên Trịnh Xuân Thanh “biến mất”. Cũng may là lúc đó Trịnh Xuân Thanh chưa kịp có quốc tịch của một nước nào đó, chứ nếu không các vụ án liên quan đến bị án này chắc là sẽ dang dở không thể kết thúc được, bởi đâu phải quốc gia và vùng lãnh thổ nào cũng đã ký hiệp ước dẫn độ với Việt Nam.

Giờ thì dư luận chỉ còn biết chờ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền về việc ĐBQH Phạm Phú Quốc “xin” hay “mua” quốc tịch Cộng hòa Síp. Nếu “mua” thì số tiền 2,5 triệu USD ở đâu ra, liệu có tham nhũng tiêu cực hay không. Còn nếu “xin” thì có còn xứng đáng lại đại biểu dân cử của cơ quan lập pháp hay không. Trước đó, từng có tiền lệ ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã bị bãi bỏ tư cách ĐBQH vì có thêm quốc tịch Malta. Tin rằng các cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý nghiêm “ông nghị” phạm luật này.

Tinh Anh