Sức mạnh vô địch của lòng yêu nước
Cách mạng Tháng Tám thành công, từ đây nhân dân ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân phong kiến trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; bảo vệ và xây dựng đất nước ngày một hùng cường.
Ngày 19/8/1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi - Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đây nhân dân ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân phong kiến trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; bảo vệ và xây dựng đất nước ngày một hùng cường.
1. Nhớ lại những tháng ngày này 75 năm trước, chúng ta càng tự hào về sức mạnh vô địch của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ đã đứng lên đập tan xích xiềng nô lệ của đế quốc phong kiến. Để có được thành công của cuộc cách mạng long trời lở đất ấy là cả một quá trình chuẩn bị công phu, là cả một quá trình tích tụ lòng yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Chúng ta đã trải qua nhiều cuộc diễn tập, cho đến năm 1945 phong trào cách mạng dâng cao. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.
Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4/6/1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị đề ra 3 nguyên tắc bảo đảm Tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: Tập trung - Thống nhất - Kịp thời.
23h ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân Tổng khởi nghĩa.
Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch. Người đã gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước Tổng khởi nghĩa, chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam… Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội.
Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập có đoạn: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ quyền tự do độc lập ấy”.
2. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vinh quang ấy, có sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào miền núi.
Từ ngày 14 đến ngày 18/8, rất nhiều xã, huyện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn… đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, kịp thời nổi dậy giành chính quyền. Ngày 16/8, một đơn vị Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy xuất phát từ Tân Trào, đánh chiếm thị xã Thái Nguyên để mở đường về Hà Nội.
Ngày 17/8, Giải phóng quân đánh chiếm tỉnh lỵ Tuyên Quang. Tại tỉnh Lạng Sơn, khi được lệnh Tổng khởi nghĩa, quân và dân Lạng Sơn đã tiến đánh quân Nhật khắp nơi. Điển hình là các trận đánh ở Pác Nàng (Bình Gia) ngày 15/8, buộc địch phải rút chạy về Thất Khê. Hơn 800 tự vệ và nhân dân có vũ trang kéo vào Ôn Châu(Chi Lăng) buộc quân Nhật phải giao vũ khí. Cho tới ngày 28/8, Giải phóng quân tiến vào huyện Lộc Bình là huyện cuối cùng trong tỉnh Lạng Sơn được giải phóng.
Tại tỉnh Cao Bằng, trong những ngày 17,18 19 tháng 8 năm 1945, các lực lượng vũ trang Cao Bằng và quần chúng đã vây chặt các đồn Sóc Giang, Nước Hai, thị trấn Trùng Khánh và huyện lỵ Quảng Uyên. Đêm 18, quân Nhật ở Trùng Khánh và ngày 19, quân Nhật ở Quảng Uyên rút chạy. Quân cách mạng đã làm chủ tình hình.
Tại Bắc Cạn, sáng 19/8, đại diện quân Nhật gặp quân Giải phóng tại sân bay thị xã để giao nộp hồ sơ bộ máy tay sai cấp tỉnh và toàn bộ kho tàng cùng nhiều súng đạn. Ngày 23/8, Bắc Cạn hoàn toàn giải phóng.
Tại tỉnh Thái Nguyên, liên tục trong những ngày 16,17,18 tháng 8 năm 1945, nhiều đội dân quân từ các huyện lân cận mang dao kiếm, giáo mác, câu liêm, gậy gộc…tấp nập kéo về phối hợp với quân giải phóng bao vây các vị trí địch. Sáng 19/8, Đội Tuyên truyền xung phong Võ Nhai cùng với đông đảo nhân dân Đồng Bẩm và lực lượng tự vệ tiến vào tỉnh lỵ. Đến 24 giờ ngày 19/8, các đội dân quân Phổ Yên, Đồng Hỷ đã chiếm xong nhà đèn và chặn các ngả phố. Chiều 20/8/1945, tại sân vận động thị xã Thái Nguyên đã diễn ra cuộc mít tinh lớn, Ủy ban khởi nghĩa chính thức tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền cai trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên...
75 năm đã trôi qua, nhưng sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước vẫn ngời sáng, mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho đất nước tiến lên phía trước.